Câu chuyện thành công của các ông chủ có ý tưởng 'liều lĩnh'
Bất động sản - Ngày đăng : 16:30, 01/09/2023
Ước mơ tuổi thơ về tên lửa trở thành hiện thực
Khi còn nhỏ, Peter Beck mơ ước được phóng tên lửa vào vũ trụ. Cha ông đã thiết kế kính thiên văn và xây dựng đài quan sát cực Nam của New Zealand tại Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Southland. Peter Beck thừa nhận rằng bản thân thấm nhuần tình yêu với không gian vì tinh thần phiêu lưu của cha.
Peter Beck nói: “Một trong những ký ức tuổi thơ đầu tiên của tôi là đứng bên ngoài và nhìn lên những vì sao trên bầu trời đêm. Không giống như nhiều đứa trẻ thắc mắc chúng muốn làm gì khi lớn lên, ngay từ đầu tôi đã biết rằng mình muốn chế tạo tên lửa”.
Tuy nhiên, Peter Beck không có điều kiện để biến giấc mơ thành hiện thực. New Zealand không có ngành công nghiệp vũ trụ và không có cơ quan quốc gia về vũ trụ. Trong khi đó, gia đình không có điều kiện cho con trai đi du học ở Mỹ.
Thời trẻ, vì không có hứng thú nên Peter Beck đã không học đại học, mà đi làm trong một nhà máy sản xuất thiết bị. Sau khi tham dự một hội thảo, anh bắt đầu thử nghiệm những gì anh thích. Sau một thời gian, anh có cơ hội đến Mỹ và tham dự các hội nghị về hàng không vũ trụ. Trở về nhà đầy cảm hứng, anh quyết định bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.
Tại một trong những sự kiện khoa học, Peter Beck đã gặp doanh nhân Mark Rocket, người đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên của anh. Với sự hỗ trợ của Mark Rocket, Peter Beck bắt đầu xây dựng Rocket Lab và tiến hành phóng tên lửa đầu tiên vào năm 2009. Vài năm sau, khi Mark Rocket rời công ty, Peter Beck lại đến Mỹ để tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án toàn cầu của Rocket Lab.
Ngày nay, Rocket Lab được coi là công ty sản xuất một số tên lửa được phóng thường xuyên nhất trên thế giới. Đến năm 2027, công ty dự kiến đạt doanh thu là 656 triệu USD.
Ở đâu có tàn tích, ở đó có hy vọng tìm thấy kho báu
Năm 2005, Hamdi Ulukaya, một người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ, phát hiện trong hộp thư của mình có một quảng cáo về việc nhà sản xuất Kraft bán nhà máy sản xuất sữa chua. Vào thời điểm đó, Hamdi Ulukaya đã sống ở Mỹ được 11 năm và đang cố gắng phát triển một doanh nghiệp nhỏ để sản xuất pho mát. Sau một hồi suy nghĩ, Hamdi Ulukaya bắt đầu quan tâm đến quảng cáo đó.
Những gì còn sót lại của nhà máy không mấy khả quan, với tòa nhà được xây dựng cách đây gần một thế kỷ và có vị trí không thuận lợi gần một nghĩa trang. Hamdi Ulukaya đã quyết định mua lại nhà máy dù bị một nhà tư vấn kinh doanh ngăn cản kịch liệt.
Để sản xuất ra loại sữa chua hoàn hảo, Hamdi Ulukaya cần phải có 1 triệu USD để mua các loại máy móc mới. Do không có đủ tiền, Hamdi Ulukaya buộc phải mua các thiết bị cũ. Hamdi Ulukaya đặt tên cho nhà máy của mình là Chobani, có nghĩa là "người chăn cừu" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Chưa đầy 5 năm sau khi mua nhà máy, doanh thu hàng năm của công ty đã lên tới 1 tỷ USD. Đến năm 2011, Chobani đã trở thành thương hiệu sữa chua Hy Lạp hàng đầu tại Mỹ. Đến năm 2020, công ty đã có được doanh thu hàng năm 1,5 tỷ USD và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
Hamdi Ulukaya thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã làm theo lời dạy của triết gia Ba Tư Rumi: "Nơi có tàn tích, ở đó có hy vọng tìm thấy kho báu". Mặc dù Kraft rời nhà máy trong tình trạng gần như vô vọng, nhưng Hamdi Ulukaya vẫn nhìn thấy một cơ hội lớn. Song song với công việc, điều quan trọng nhất là Hamdi Ulukaya đã tìm được những người tin cậy để nương tựa.
“Bạn không thể làm mọi thứ một mình, đặc biệt là khi bạn đạt đến những tầm cao nhất định. Điều đó là không thể. Khi thành lập Chobani, tôi phải dựa vào chính mình và vẫn phải làm vậy. Nhưng mặt khác, nhóm của chúng tôi bao gồm những người mà tôi sẵn sàng giao phó ngay cả mạng sống của mình” - Hamdi Ulukaya chia sẻ.
Con đường dài dẫn đến thành công, cuộc chiến với những người hoài nghi
Ngày nay, ứng dụng nhận dạng âm nhạc nổi tiếng Shazam đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, những người tạo ra nó đã phải trải qua một quá trình rất dài và đầy chông gai.
Từ nhỏ, Chris Burton đã có hai sở thích âm nhạc và công nghệ. Anh thừa nhận rằng thường gặp phải tình huống khi nghe thấy một giai điệu hấp dẫn, nhưng chưa được biết đến trong quán bar, câu lạc bộ hoặc rạp chiếu phim.
Năm 1999, khi còn là sinh viên tại Đại học California ở Berkeley, Chris Burton và một người bạn đã quyết định viết một chương trình có thể nhận dạng các giai điệu. Chương trình có thể giúp bạn không chỉ có thể tìm thấy một bản nhạc, mà còn có thể thêm nó vào kho dữ liệu của chính mình, chia sẻ nó với bạn bè, đọc lời bài hát hoặc thậm chí tìm các album khác của nghệ sĩ.
Các chuyên gia xử lý âm thanh khi đó đã nhún vai và tin rằng điều này đơn giản là không thể. Đầu tiên, điện thoại di động vẫn chưa đủ tiến bộ về mặt công nghệ. Thứ hai, cần có sự im lặng để nhận diện âm nhạc. Vào thời điểm đó, Chris Barton đang làm việc với ba người bạn và họ cùng nhau "hack hệ thống" và tạo ra một thuật toán phức tạp có thể nhận dạng âm nhạc.
Nói chung, đó không phải là thời điểm tốt nhất khi nhiều công ty khởi nghiệp về Internet đã phá sản, vì vậy việc ra mắt một công ty mới không phải là một ý tưởng dễ dàng có hiệu quả.
“Yếu tố chính quyết định sự thành công của khởi nghiệp là sự kiên trì. Nếu bạn chưa sẵn sàng đạt đến những cấp độ siêu phàm vượt quá lý trí để thực hiện ước mơ của mình thì cơ hội thành công của bạn gần như bằng 0” - Chris Barton chia sẻ.
Sau hàng trăm lần thất bại trước cơ hội hợp tác với các doanh nhân và công ty đầu tư mạo hiểm, cuối cùng họ cũng tìm được nhà đầu tư chấp nhận hợp tác.
Dự án Shazam được triển khai hoàn chỉnh vào năm 2002 tại Anh. Người dùng phải gọi đến số điện thoại cố định, giữ điện thoại gần nguồn âm thanh trong 15–30 giây và sau đó một tin nhắn SMS có tên nghệ sĩ và tên bài hát sẽ được gửi đến điện thoại di động. Vào thời điểm đó, họ đã đi trước thời đại nên đã thành công trong việc ra mắt sản phẩm, trước khi iPod và iTunes ra đời.
Chris Barton rời công ty vào năm 2003 và gia nhập Google. Cùng năm đó, hai người bạn của anh cũng rời dự án. Dự án Shazam không có lãi cho đến 14 năm sau khi ra mắt, phần lớn nhờ vào doanh thu quảng cáo. Vào năm 2015, số tiền lãi lớn nhất đến từ hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng, lên tới 300 triệu USD.
Hai năm sau, Apple mua lại công ty này với giá 700 triệu USD. Kể từ khi ra đời cho đến khi được Apple mua lại, Shazam đã phục vụ khoảng 70 tỷ lượt người dùng.
Hạ Thảo (Theo BCS)