Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành

Nhịp sống - Ngày đăng : 18:00, 31/08/2023

Nhà ga hành khách và công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành tổng giá trị đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng được khởi công, chiều 31/8.

Chiều 31/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công nhà ga hành khách và công trình xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) với tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.

Đây là các dự án trọng điểm của Chính phủ trong năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và TPHCM, Đồng Nai, lãnh đạo các tỉnh, thành Quảng Nam, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... đến dự và bấm nút khởi công 2 công trình quan trọng của sân bay Long Thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương dự lễ khởi công các công trình quan trọng dự án sân bay Long Thành chiều 31/8 (Ảnh: Hữu Khoa),

Phát biểu tại lễ khởi công tại đại công trường sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng khi cùng lúc khởi công các dự án giao thông quan trọng tại khu kinh tế trọng điểm TPHCM và Đồng Nai.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng giao thông là nền tảng trong sự phát triển của kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Thực tiễn chứng minh, hệ thống giao thông, bến cảng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.

Theo Thủ tướng, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hàng không phù hợp sự xu hướng phát triển hàng không thế giới, có hiệu quả kinh tế rất cao. Trong hạ tầng giao thông, hàng không luôn là lĩnh vực quan trọng, sẽ thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ kết nối trong nước và quốc tế. Qua đó thúc đẩy phát triển xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Cũng theo Thủ tướng, hiện nay trên cả nước nhiều sân bay quá tải cả trên trời và dưới đất, đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng ta vui mừng khi cải tạo nâng cấp năng suất khai thác các sân bay liên tục nhưng vẫn chưa đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng tin các dự án sẽ vượt tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, không để đội vốn đầu tư, không có tham nhũng trong dự án. Hai dự án hạ tầng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và dự án sân bay Long Thành hoàn thành sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không trong khu vực. Tạo động lực phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban ngành, Trung ương thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ, an toàn của dự án như kế hoạch phê duyệt. ACV cần quan tâm đời sống của cán bộ công nhân viên tham gia dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành - 2

Công nhân nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Ảnh: Hữu Khoa).

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết, nhà ga hành khách gần 35.000 tỷ đồng được đánh giá rất hiện đại, sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành. Đây là công trình quan trọng nhất của dự án sân bay Long Thành.

Theo công suất thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ở giai đoạn 1, sau khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại hàng đầu trong khu vực với công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Ông Thanh cho biết, để triển khai nhà ga hành khách, trước đó gói thầu móng cọc nhà ga đã hoàn tất, còn gói thầu san nền và thoát nước trên mặt bằng hơn 1.800ha của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cũng được tăng tốc để hoàn thiện. Theo hợp đồng, gói thầu này kéo dài 38 tháng nhưng dự kiến về đích sớm hơn 4 tháng, tức là sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành - 3

Những cán bộ, công nhân dự lễ khởi công chiều 31/8 (Ảnh: Hữu Khoa).

Nhà ga hành khách được xác định là công trình quan trọng nhất, ảnh hưởng tiến độ của toàn dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với thời gian thi công 39 tháng. Nhà ga hành khách được xem là "trái tim" của sân bay Long Thành với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: mái nhà, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí theo dạng tập trung.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chia sẻ, điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn. Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu. Trong đó tổng diện tích sàn gần 376.500m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F.

Còn công trình đường băng cất hạ cánh (gói thầu 4.6) có trị giá 7.308 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến là gần hai năm. Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống hai đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm.

Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040).

Chính phủ đặt mục tiêu chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Long Thành vào ngày 2/9/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành - 4

Phước Tuần