Nguồn tài chính hạn chế, y tế dự phòng gặp khó
Tin Y tế - Ngày đăng : 14:16, 31/08/2023
Huy động ngân sách, dự án quốc tế vẫn không đủ chi thực tế
Ngày 31.8, Ủy ban Xã hội Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Giải pháp tài chính bền vững cho y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS” tại TP Đà Nẵng.
Tại đây, bà Võ Thị Ngọc Lắm – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, số người mắc HIV/AIDS tại địa phương là trên 9.000 người và tỷ lệ tử vong cao trên cả nước.
Tổng nguồn kinh phí huy động cả ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn Bảo hiểm y tế và dự án quốc tế khoảng 14 tỉ/năm nhưng nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng những hoạt động phòng chống HIV/AIDS cần thiết, những điểm nóng về ma túy, mại dâm.
Còn so với tình hình thực tế, nguồn kinh phí trên chưa bao phủ được các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên toàn tỉnh và đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Chưa hết, nguồn tài trợ quốc tế cũng đang cắt giảm dần trong khi nhu cầu kinh phí để nâng cao chất lượng, mở rộng các dịch vụ dự phòng chăm sóc và điều trị ngày càng lớn và rất ít cơ quan, đơn vị doanh nghiệp chủ động đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Cần giải pháp cho nguồn tài chính y tế dự phòng
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Phong – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cũng cho biết, địa phương cũng đang có khó khăn khi mô hình dịch bệnh, một số bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp và xu hướng quay trở lại.
Bệnh Sốt rét tại huyện Mường tè tỉnh Lai Châu (năm 2021, 2022 mỗi năm phát hiện hơn 100 người mắc có ký sinh trùng, năm 2023 vẫn tiếp tục gia tăng); Lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao; các mô hình bệnh không truyền nhiễm tiểu đường, tăng huyết áp...
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở y tế đã xuống cấp hoặc không phù hợp về công năng do xây dựng cũ trước đây. Sở Y tế tỉnh sau sáp nhập ngân sách bố trí sửa chữa nâng cấp còn hết sức hạn chế, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của đơn vị dự phòng tuyến tỉnh.
Nguồn kinh phí duy trì sự phát triển bền vững chương trình Mục tiêu y tế - dân số do ngân sách địa phương tự đảm bảo nhưng nguồn ngân sách địa phương của tỉnh rất eo hẹp, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện, hoàn thành các mục tiêu của tỉnh giao cho ngành.
Lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Lai Châu đề nghị, Trung ương cần tiếp tục vận động, thu hút các tổ chức dự án quốc tế hỗ trợ cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng công tác y tế dự phòng; Cần tiếp tục có những chính sách ưu tiên cho tỉnh miền núi, hải đảo để đảm bảo nâng cao năng lực nguồn lực cho công tác y tế dự phòng; Tập trung ưu tiên phát triển công nghệ khám, chữa bệnh và hội chẩn từ xa trong điều trị bệnh và dự phòng bệnh hiện nay.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35 năm 2014 và Thông tư Liên tịch số 38 năm 2014 năm 2014 để phù hợp với giai đoạn hiện nay, làm cơ sở để địa phương có thể sử dụng hiệu quả nguồn lực từ thu phí dịch vụ điều trị nghiện nhằm góp phần triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung và điều trị nghiện chất nói riêng cho phù hợp.