WHO đạt thêm 3 thỏa thuận chia sẻ sáng chế công nghệ vaccine COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 11:07, 30/08/2023
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ . (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 29/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã đạt được thêm 3 thỏa thuận mới với các đơn vị nghiên cứu về công nghệ vaccine ngừa COVID-19 về việc cho phép chia sẻ tri thức liên quan đến vấn đề này trên một nền tảng toàn cầu của WHO.
Cụ thể, nền tảng chia sẻ kiến thức COVID-19 trên phạm vi toàn cầu của WHO đã đạt thỏa thuận cấp phép với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha về nghiên cứu nguyên mẫu vaccine ngừa COVID-19. Và một thỏa thuận khác là với Đại học Chile về xét nghiệm mức độ trung hòa kháng thể COVID-19.
Ngoài ra, tham gia chương trình lần này còn có hãng dược phẩm Medigen Vaccine Biologics Corp có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc).
Đây là công ty dược tư nhân đầu tiên ký thỏa thuận chia sẻ bằng sáng chế và công nghệ phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Những thỏa thuận mới nói trên đạt được thông qua tổ chức y tế Medicines Patent Pool (MPP), có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
Nền tảng chia sẻ kiến thức COVID-19 trên phạm vi toàn cầu của WHO hay còn được gọi là COVID-19 Technology Access Pool (C-TAP) được WHO thành lập hồi tháng 5/2020.
Nền tảng này được sử dụng cho việc chia sẻ dữ liệu, công nghệ và sở hữu trí tuệ về việc điều trị, xét nghiệm và tiêm phòng ngừa COVID-19.
Mục tiêu của nền tảng này là nhằm đảm bảo sự phân phối công bằng hơn vaccine, thuốc và bộ xét nghiệm COVID-19 trên khắp thế giới.
Trước đây, nền tảng này đã có được 2 thỏa thuận cấp phép tương tự. Trong đó, một thỏa thuận đạt được với Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha về nghiên cứu xét nghiệm kháng thể COVID-19.
Thỏa thuận thứ hai là với Viện Y tế Quốc gia Mỹ về phát triển phương pháp điều trị, vaccine giai đoạn đầu và các công cụ chẩn đoán.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nhận định COVID-19 vẫn diễn biến và chưa kết thúc. Vì vậy, thế giới vẫn cần các công cụ để ngăn chặn đại dịch, cũng như xét nghiệm và điều trị.
Ông Ghebreyesu khẳng định tất cả các nước trên thế giới sẽ được tiếp cận công bằng những công cụ này.
Trong một thông báo hôm 29/8, Liên minh vaccine cho tất cả mọi người (People's Vaccines Alliance) cho rằng việc các tổ chức nghiên cứu chia sẻ công nghệ với nền tảng C-TAP sẽ giúp đặt lợi ích và nhu cầu của con người lên trên lợi nhuận của các đơn vị nghiên cứu và sản xuất dược phẩm điều trị COVID-19.
WHO cho biết các nhà sản xuất dược phẩm trên toàn cầu đều có thể tiếp cận tất cả các giấy phép một cách minh bạch và công bằng thông qua trang web của nền tảng C-TAP./.