Tên lửa làm nên tên tuổi 'sát thủ diệt tăng' của quân đội Nga

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:38, 30/08/2023

9M123 Khrizantema là dòng tên lửa chống tăng mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga. Và giờ nó còn vươn lên một tầm cao mới.

Được NATO định danh là AT-15 Springer, 9M123 do Văn phòng Thiết kế Kỹ thuật Konstruktorskoye Byuro Mashynostroyenia (KBM) phát triển và chính thức đi vào biên chế quân đội Nga từ năm 2004.

Không giống như hầu hết tên lửa chống tăng có điều khiển thường ở dạng tháo lắp, 9M123 được phóng từ bệ phóng. Theo thiết kế ban đầu, tên lửa được trang bị trên khung gầm xe bọc thép BMP-3 để trở thành hệ thống tên lửa chống tăng tự hành 9P157-2 Khrizantema-S.

Một hệ thống tên lửa chống tăng tự hành 9P157-2 Khrizantema-S. Ảnh: Rostec

Mục đích của 9M123 dùng để tiêu diệt xe tăng hiện tại và tương lai của đối phương, bao gồm cả xe lắp giáp phản ứng nổ, bất kể mục tiêu di chuyển hay đang đứng yên. Việc dẫn bắn của tên lửa được thực hiện tự động bằng radar hoặc ở chế độ bán tự động bằng tia laser, được bảo vệ chống mọi biện pháp gây nhiễu từ đối phương - là khả năng mà hầu như không có tên lửa chống tăng nào trên thế giới có được.

Tên lửa có chiều dài 2.057mm, đường kính 150mm, khối lượng 46kg với đầu nổ 8kg. Tên lửa này có thể được phóng ra với vận tốc siêu âm với động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cung cấp lực đẩy mạnh mẽ, đạt tới Mach 1.2 (tương đương 400m/s), tầm bắn từ 400 - 6000m. Trong khi đó, hãng thông tấn TASS còn cho biết tốc độ tối đa của tên lửa có thể là 650m/s, tức trên Mach 2.

Chưa dừng lại ở đó, quân đội Nga tiếp tục nâng cấp 9M123 theo tiêu chuẩn 9M123M. Tên lửa mới này đã lần đầu tiên được trưng bày tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army 2023.

Gian hàng giới thiệu các biến thể của tên lửa 9M123 tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army 2023. Ảnh: Rostec
Cận cảnh một tên lửa 9M123M được trưng bày tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army 2023. Ảnh: Rostec

Theo giới thiệu từ công ty Các hệ thống vũ khí chính xác cao (HPW) thuộc tập đoàn quốc doanh Rostec, 9M123M có biệt danh là “nỗi ám ảnh của phương tiện bọc thép” bởi nó có thể xuyên giáp dày tới 1.100mm. Thậm chí, trang Popular Mechanics còn cho rằng tên lửa có khả năng xuyên thủng lớp giáp thép đồng nhất (RHA) dày tới 1.250mm.

Cũng theo Popular Mechanics, 9M123M không chỉ được tăng 68% tầm bắn mà còn có thể được phóng từ các dòng trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52 hàng đầu của Nga hiện nay. Tên lửa mới có đường kính khoảng 2.300mm, lớn hơn phiên bản cũ và ống phóng có trọng lượng nặng hơn. Nó còn được cho là sẽ còn được nâng cấp tính năng xuyên thủng giáp lồng bổ sung của xe tăng.

Ngoài ra, tên lửa 9M123M còn có một biến thể khác mang tên 9M123MF, là loại được trang bị đầu đạn nhiệt áp nặng 6kg dùng để chi viện hỏa lực, phá hủy xe bọc thép, sinh lực đối phương, hay các công trình phòng ngự.

NGÂN ANH