Giá xăng dầu hôm nay 30/8: Tiếp đà đi xuống
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:29, 30/08/2023
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 30/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, dầu giảm nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 lên 24.600 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống mức 22.350 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 22.309 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng lên 17.981 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.600 | + 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.330 | + 510 |
Dầu diesel | 22.350 | -70 |
Dầu hỏa | 22.300 | + 420 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 30/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 30/8 tiếp đà đi xuống từ phiên trước. Hôm 29/8, giá xăng dầu thế giới suy yếu sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h33' ngày 29/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 84,24 USD/thùng, giảm 0,18 USD, tương đương 0,21% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,93 USD/thùng, giảm 0,17 USD, tương đương 0,21% so với phiên liền trước.
Đến 21h14' ngày 29/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 84,1 USD/thùng, giảm 0,32 USD, tương đương 0,38% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,69 USD/thùng, giảm 0,41 USD, tương đương 0,51% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi xuống do lo ngại khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một số dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, như chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ và dữ liệu về việc làm tháng 8, dự kiến được công bố vào cuối tuần này, để xác định xu hướng lãi suất trong thời gian tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Hồi cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay, Fed có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa để hạ nhiệt tình trạng lạm phát kéo dài. Nếu Fed tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ do chi phí tăng lên, từ đó gây áp lực giảm cho giá dầu.
Bên cạnh đó, triển vọng nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới - tiếp tục là một mối lo ngại với thị trường.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc khá chậm do sự sụt giảm mạnh ở lĩnh vực bất động sản, chi tiêu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng sụt giảm.
Dù Trung Quốc gần đây đã có những hành động mạnh tay để kích thích nền kinh tế nhưng dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả. Sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc dẫn đến lo ngại nhu cầu dầu thực tế giảm xuống.
Thêm nữa, nguồn cung đang dần được cải thiện khi sự trừng phạt của Mỹ được kỳ vọng sẽ nới lỏng hơn với Venezuela và Iran sau các cuộc đàm phán lạc quan. Khi đó, 2 nước này có thể sẽ cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường.