Có dịp nên thử 3 món bún nghe tên lạ, ăn siêu ngon của người miền Tây
Ẩm thực - Ngày đăng : 10:29, 29/08/2023
Bún gỏi dà
Bún gỏi dà thường được bán nhiều ở Sóc Trăng, món này được cho là có nguồn gốc từ gỏi cuốn tôm thịt bởi phần nguyên liệu giống nhau, chỉ là thay vì cuốn với bánh tráng, bún gỏi dà sẽ được bày ra tô và có chén nước lèo riêng.
Ngoài ra, bún gỏi dà còn được thêm vào phần dừa nạo và hột vịt lộn. Trước kia bún gỏi dà thường là món bún khô, sau người ta đều chan trực tiếp nước lèo vào tô.
Điểm sáng nhất của tô bún gỏi dà nằm ở phần nước lèo đặc trưng khi nước hầm xương vị chua chua của me, hương thơm lại thoảng mùi tương hột. Khi ăn, bạn có thể vắt thêm chút tắc, bỏ rau sống vào trộn đều rồi thưởng thức.
Bún nước kèn
Ngay từ cái tên, món bún này đã gây tò mò cho nhiều người... Cái tên "kèn" có nguồn gốc từ Khmer, có nghĩa là "nấu bằng nước cốt dừa". Và đây cũng chính là phần nước dùng đặc trưng của bún nước kèn, được nấu từ nước cốt dừa, bột cà ri, bột nghệ, thịt cá lóc tươi, tôm khô, ăn có vị béo béo của dừa và mùi thơm đặc trưng.
Bún nước kèn có màu vàng bắt mắt, nước súp hơi sệt và béo nhẹ, ngọt thanh. Món này ăn đúng điệu thường kèm với rau muống bào, bắp chuối và giá.
Nếu thích, bạn có thể thêm chút rau sống để cân bằng vị béo, không bị ngấy. Ăn bún nước kèn, chấm miếng thịt cá với chút muối ớt chanh, húp chút nước lèo béo béo sệt sệt thôi là đã ngon hết sảy.
Bún suông
Bún suông được xem là một đặc sản của Trà Vinh, với thành phần chính chỉ gồm bún, tôm và thịt ba chỉ. Gọi là bún suông chủ yếu là cách chế biến tôm ăn cùng món bún, tôm tươi sẽ được đem xay nhuyễn, mịn, tẩm ướp gia vị đậm đà, rồi quết nhiều lần để tạo độ dai, xong nặn thành từng sợi dài.
Điểm đặc biệt của món bún này khiến ai cũng phải thòm thèm chính là phần nước lèo đậm đà. Nước lèo của bún suông được hầm từ xương heo, khô mực, đầu tôm, tạo ra độ ngọt thanh tự nhiên rất bắt miệng. Người ta còn thêm chút dầu hạt điều, mắm bò hóc, chút me và tương hạt để hương vị món bún đậm đà và hấp dẫn.
Theo VTC