Ác mộng của thiết giáp mang tên “mìn nhảy” PTKM-1R
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 19:27, 28/08/2023
Nga chính thức ra mắt PTKM-1R vào năm 2018 và bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt để biên chế cho quân đội nước này từ năm 2021. Thiết bị được giới thiệu tại nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, mà gần nhất là tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army 2023.
Theo Rosoboronexport, mục đích của PTKM-1R nhằm tăng cường năng lực chiến đấu cho các đơn vị tiền tiêu của Nga trong việc chống lại xe tăng, xe thiết giáp đối phương một cách tối ưu, làm gián đoạn quá trình hành quân của đối phương. Army Recognition dẫn đánh giá từ chuyên gia vũ khí Nga Alexey Leonkov nhấn mạnh loại mìn mới này là đỉnh cao của xu hướng vũ khí toàn cầu.
Tổng quan về thiết kế của mìn PTKM-1R. Ảnh: Rosoboronexport |
Về thiết kế, mìn có hình trụ khá “độc lạ” so với những loại mìn chống tăng thường thấy trước đây và kích thước tương đương bình chữa cháy với chiều dài 510mm, đường kính 220mm, khối lượng 20kg. Phần đáy mìn có 8 chân sẽ xòe ra khi triển khai để giữ cho mìn ở vị trí thẳng đứng. Mìn có thể được đặt ngay trên mặt đất, thời gian triển khai 10 ngày trong điều kiện nhiệt độ từ âm 40 đến 30 độ C. Sau 10 ngày nếu không được thu hồi, nó sẽ tự hủy để tránh gây nguy hiểm cho thường dân. PTKM-1R được trang bị 4 cảm biến âm thanh và địa chấn cùng module hỗn hợp radar sóng milimét và hồng ngoại cực nhạy có thể phát hiện, tính toán đường đi của phương tiện đối phương ở cự ly từ 150-200m.
Về cơ chế hoạt động, khi mục tiêu đi vào phạm vi phá hủy, PTKM-1R sẽ nghiêng một góc 30 độ về phía phương tiện rồi phóng một đầu đạn lên không trung ở độ cao vài chục mét. Cảm biến hồng ngoại trên đầu đạn sẽ khóa mục tiêu và tấn công kiểu “đột nóc” theo quỹ đạo đạn đạo từ trên cao xuống vào khu vực tháp pháo - khu vực bọc giáp mỏng và dễ bị tổn thương nhất của xe tăng, xe thiết giáp. Đầu đạn có thể xuyên thủng lớp giáp dày 7 cm, vốn được sử dụng cho xe tăng truyền thống, gây thương vong cho kíp lái hoặc khiến vũ khí trên xe phát nổ. Toàn bộ quá trình tấn công chỉ mất vài giây.
Quỹ đạo bay của đầu đạn hướng tới mục tiêu sau khi mìn PTKM-1R được kích hoạt. Ảnh: Rosoboronexport |
“Sự thông minh” của PTKM-1R còn nằm ở chỗ nó tự đánh giá được mục tiêu để tấn công, dựa trên các thông số nhất định về tiếng ồn và độ rung của mặt đất. Cụ thể, mìn sẽ không phản ứng khi phương tiện cơ giới thông thường như ô tô chạy ngang qua, mà đợi các phương tiện bọc thép hạng nặng mới kích hoạt.
Nhờ khả năng tự xác định, chọn lọc và phóng đạn về phía mục tiêu của PTKM-1R, các nhóm chiến đấu tiền tiêu sẽ không cần bố trí mìn kiểu rải thảm như trước, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức.
NGÂN ANH(theo Rosoboronexport)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới để tiếp tục cập nhật, xem các tin, bài về vũ khí, trang bị, khí tài và hoạt động tác chiến của các nước trên thế giới.