Điểm tin công nghệ 29/8: Giá iPhone 14 Pro Max có thể tăng vào đầu tháng 9?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 29/08/2023
- Giá iPhone 14 Pro Max có thể tăng vào đầu tháng 9?
Giá của iPhone 14 Pro Max của Apple có thể sẽ dao động vào đầu tháng 9 trước khi chính thức ra mắt dòng iPhone 15 của Apple.
Hiện nay, iPhone 14 Pro Max phiên bản dung lượng 128 GB đang được bán tại Thế Giới Di Động với mức giá 26,39 triệu đồng; FPT Shop là 26,29 triệu đồng, CellPhoneS là 26,25 triệu đồng. Tại Hoàng Hà Mobile, giá iPhone 14 Pro Max 128GB là 25,95 triệu; tại Di động Việt và một số cửa hàng bán lẻ khác có mức giá khoảng 25,79 triệu đến 25,99 triệu đồng.
Đây là mức giá đã chạm đáy so với tháng 5/2023 và thấp hơn 9,2 triệu đồng so với thời gian đầu mở bán.
Tuy nhiên, có khả năng mức giá của iPhone 14 Pro Max và iPhone 14 Pro sẽ không giữ nguyên, mà sẽ có dao động trước thềm ra mắt iPhone 15 vào ngày 13/9 tới. Một số tin đồn cho biết giá iPhone 14 Pro Max có thể tăng nhẹ từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Xu thế tăng giá này đã xuất hiện từ một số năm trước, khi Apple ra mắt mẫu iPhone mới. Năm ngoái, iPhone 13 Pro Max đã tăng giá trước thời điểm Apple giới thiệu dòng iPhone 14. Tương tự trước đó, iPhone 12 Pro Max cũng tăng giá nhẹ khi Apple công bố iPhone 13.
- Asus sắp "khai tử" dòng Zenfone?
Zenfone 10 có thể là thành viên cuối cùng trong toàn bộ dòng sản phẩm Zenfone và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc Asus đưa thiết bị này đến nhiều thị trường hơn.
Aroged đưa tin, Asus được cho là đang xem xét việc chấm dứt dòng sản phẩm Zenfone để chỉ tập trung vào gia đình smartphone ROG với những sản phẩm chuyên về game. Điều này sẽ kết thúc dòng Zenfone do lợi nhuận mà các thiết bị mang lại cho công ty thấp.
Còn điện thoại dòng ROG Phone thu hút người tiêu dùng không chỉ vì thông số kỹ thuật mà còn vì tên tuổi gắn liền với cộng đồng game thủ. Bán điện thoại và phụ kiện ROG mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều cho Asus, đó là lý do tại sao các lãnh đạo của công ty muốn tập trung vào những gì mà thương hiệu này mang lại.
Trước những tin đồn trên, Asus chưa đưa ra bất cứ thông tin nào. Trong khi đó, Zenfone 10 vẫn là một chiếc smartphone nhỏ gọn đáng chú ý trên thị trường nhờ trang bị chip Snapdragon 8 Gen 2 mạnh mẽ đến từ Qualcomm. Điều này biến sản phẩm trở thành một trong những lựa chọn smartphone nhỏ gọn cấu hình cao cho một cộng đồng nhất định người tiêu dùng.
- Thêm 3 băng tần chuẩn bị đấu giá cho triển khai 4G, 5G
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 1568/QĐ-BTTTT về việc tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 700 MHz (703-733 MHz và 758-788 MHz), 2600 MHz (2500-2600 MHz), 3700 MHz (3560-4000 MHz).
Đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình đấu giá để cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho 4G, 5G tại Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Tần số vô tuyến điện lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá, xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 703-733 MHz và 758-788 MHz; 2500-2600 MHz; 3560-4000 MH.
Trên cơ sở kết quả do tổ chức thẩm định giá xác định, Cục Tần số vô tuyến điện trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định mức thu cơ sở đối với các băng tần này.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, việc Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động (IMT) đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội. Doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G, 5G phát triển.
Băng tần 2600 MHz được quy hoạch cho triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Hiện nay, băng tần 2500-2600 MHz đã sẵn sàng để cấp phép chính thức cho các nhà mạng triển khai 4G, 5G trên toàn quốc.
Trong khi đó, băng tần 3400-4200 MHz được quy hoạch cho các nghiệp vụ di động, cố định, cố định qua vệ tinh (đường xuống từ vệ tinh) và vô tuyến định vị (radar), trong đó băng tần 3560-4000 MHz được xác định cho hệ thống IMT. Hiện nay, quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện.
- Nga tố Google nợ tiền quảng cáo của nhiều công ty
TASS đưa tin ngày 28/8, tổng số nợ phải trả của Google tại Nga đối với các công ty là hơn 211 triệu USD.
Theo TASS, nhiều doanh nghiệp quyết định nộp đơn lên tòa án Moscow để công nhận chi nhánh Google ở Nga bị phá sản và mở thủ tục phá sản đối với văn phòng này.
Trước đó, vào tháng 5/2022, chi nhánh Google tại Nga có ý định nộp đơn xin phá sản vì không thể chi trả lương, chi phí và nhiều khoản thanh toán khác. Toà phúc thẩm đã tiến hành thủ tục giám sát và phá sản đầu tiên đối với Google ở Nga.
Kể từ đó, hơn 1.000 công ty Nga bao gồm VK, 1C-Bitrix, Diasoft và các công ty khác, đã đệ đơn kiện Google với khiếu nại rằng Google không cung cấp dịch vụ quảng cáo đã ký kết, sau khi chi nhánh của công ty công nghệ này nộp đơn xin phá sản.
Trong năm 2022, doanh thu của Google ở Nga đã giảm 82% so với năm trước, từ hơn 1,4 tỷ USD xuống còn 254 triệu USD. Các nhà chức trách Nga đã rút toàn bộ số tiền từ tài khoản ngân hàng Google của Nga như một biện pháp tạm thời cho các thủ tục pháp lý.
- Huawei và Ericsson ký kết thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế
Huawei và Ericsson đã thực hiện ký kết Thỏa thuận Cấp phép chéo Bằng Sáng chế Dài hạn trên quy mô toàn cầu bao gồm bằng sáng chế thiết yếu theo các tiêu chuẩn: 3GPP, ITU, IEEE và IETF cho công nghệ di động 3G, 4G và 5G.
Theo đó, thoả thuận này cho phép đôi bên kinh doanh qua lại các thiết bị hạ tầng mạng và thiết bị tiêu dùng, cũng như quyền truy cập toàn cầu vào danh mục các công nghệ chuẩn hoá, đã được cấp phép của nhau.
Ông Alan Fan, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ của Huawei cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi đạt được thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế dài hạn trên quy mô toàn cầu với Ericsson. Thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp xây dựng một môi trường sáng chế mạnh mẽ hơn, đồng thời thể hiện sự cam kết của hai bên đối tác trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đúng mực”.
Với vai trò là chủ sở hữu và người triển khai các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP), Huawei luôn tìm kiếm sự cân bằng trong việc cấp phép. Thông qua thỏa thuận, Huawei và Ericsson đều sẽ được trao và nhận quyền truy cập vào các công nghệ chủ chốt của nhau.