Giải trình đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Nhịp sống - Ngày đăng : 10:39, 28/08/2023

Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau về việc đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Cơ quan thẩm tra phân tích cụ thể ưu - nhược điểm của từng phương án.

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi là nội dung đầu tiên được cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 28/8.

Báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết còn 2 loại ý kiến khác nhau về việc đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật và chỉ ra ưu điểm của phương án này là thể hiện bao quát, đầy đủ các chính sách được đề xuất trong dự thảo luật. Cụ thể là chính sách bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; chính sách về căn cước điện tử.

Giải trình đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới (Ảnh: Phạm Thắng).

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, hạn chế của việc đổi tên là tác động đến tâm lý một bộ phận người dân. Họ lo ngại sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng thẻ căn cước công dân, không bảo đảm sự ổn định của chính sách.

Việc này cũng tác động đến đại đa số công dân Việt Nam đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân.

Với phương án giữ nguyên tên gọi Luật Căn cước công dân, ông Tới chỉ ra ưu điểm về tính ổn định với quy định của pháp luật cũng như các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự.

Bên cạnh đó, tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi thẻ căn cước công dân, thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan thẩm tra cho rằng hạn chế của phương án này là không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này; chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Tới cho biết Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Song vì đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Quốc phòng  - Anh ninh đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của luật.

Tương tự, về tên gọi của thẻ căn cước, cơ quan thẩm tra cũng cho biết hiện còn 2 ý kiến khác nhau.

"Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội", ông Tới nói.

Tuy nhiên, đây là nội dung các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Giải trình đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Ảnh: Phạm Thắng).

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khái quát tại kỳ họp thứ 5, sau khi thảo luận về dự thảo luật này, có 17 ý kiến nhất trí với đề xuất đổi tên.

Ngược lại, 22 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên luật và quy định việc cấp giấy tờ phù hợp với đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch cho phù hợp tại điều khoản thi hành.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tại phiên họp thứ 25 ngày 18/8 vừa qua, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án giữ tên Luật Căn cước công dân.

Với để xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí giữ nguyên thẻ căn cước công dân. Ông Phương đề nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến làm rõ hơn và thể hiện quan điểm của mình về tên luật cũng như tên thẻ.

Hoài Thu