Cuộc đời bi ai của một công nhân bị tàn phế do tai nạn lao động

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:00, 28/08/2023

Ngồi trước mặt chúng tôi là một phụ nữ đứng tuổi. Gương mặt chị trầm tư. Đôi mắt chị đờ đẫn lạc thần. Giọng nói chị thật buồn: 'Câu chuyện đã 20 năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm qua...'.

Một đời bất hạnh

'Buổi chiều hôm ấy, ngày 10/3/1999, sau bữa cơm tối, tôi tiếp tục vào ca làm việc. Máy đang chạy. Phát hiện thấy có nhiều tạp chất bám vào trục máy, tôi rướn người lên để gỡ. Bất ngờ, máy cuốn vạt áo tôi ...

Mẹ con chị Yến.

Tôi ngã xuống. Cả lồng ngực đau buốt. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa 2 tay đẩy ra. Máy nghiền luôn đứt cả 2 cánh tay. Tôi bất tỉnh. Sau này, đồng nghiệp tôi mới cho biết lúc đó, anh em tới kéo tôi ra, lấy 2 cánh tay cho vào thùng đá đi cùng tôi vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Chị là Đặng Thị Yến, lúc bị nạn chị mới 30 tuổi, là công nhân đứng máy dệt cho cho một công ty ở khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TPHCM. Chị mới vào làm việc tại đây hơn 5 tháng thì xảy ra tai nạn.

'Sau này tôi mới biết, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình các bác sĩ bó tay vì hai cánh tay đã dập nát không thể thực hiện ráp nối được. Cánh tay trái bị đứt lìa, tay phải mất 1/3 và gãy 5 xương sườn bên trái khiến cho tôi bị tràn dịch màng phổi. Tôi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngay sau đó để tiếp tục điều trị', chị nhớ lại.

'Biết được thực trạng của mình, tôi thấy như đất trời đang sụp đổ. Vốn là chị của 3 đứa em còn thơ dại chưa có công ăn việc làm, tôi không còn khả năng để lao động phụ ba má nuôi em', gạt nước mắt, chị nói tiếp.

'Sau gần 1 tháng nằm viện, tôi về nhà. Nhà bấy giờ là một căn nhà nhỏ ở quận 7. Nhà cũ má tôi đã bán mua lại nhà đó, nhỏ hơn. Số tiền thừa dành để chữa bệnh cho ba tôi. Nhưng rồi cũng phải bán nhà tiếp vì ba tôi bị u não. Bao nhiêu tiền có được đổ vào chữa bệnh cho ba nhưng ông cũng không qua khỏi. Ba tôi mất, cả nhà đi ở thuê hết nơi này sang nơi khác.

Bài báo về vụ tai nạn của chị Yến đăng trên báo Người Lao Động số ra ngày 12/3/1999.

Chúng tôi thuê căn nhà này - Tổ 14, khu phố 7, thị trấn Nhà Bè - đã được 6 năm nay. Các em tôi giờ đã lớn. Đứa út lập gia đình sinh con. Đứa con ấy giờ là nguồn sống của cả gia đình. Hàng ngày nó đi phụ xe. Tiền lương đem về nuôi nội già yếu, nuôi cô tật nguyền... Má tôi đã 70 tuổi rồi giờ cũng chẳng làm gì được vì phải chăm sóc tôi.

'10 năm sau khi bị nạn, sức khỏe tôi ổn định. Chỉ có những năm sau này vô số bệnh ập vào tôi khiến tôi đã vô dụng lại càng vô dụng hơn. Nhiều người khuyên tôi nên tập đi bán vé số. Tôi muốn lắm nhưng không đi nổi. Biết làm sao đây. Mà ngồi nhà thì vừa buồn vừa chán ...

Tôi đã đi khám và chữa ở Bệnh viện Q.7 nhiều lần nhưng không khỏi. Đi bệnh viện khác không có bảo hiểm lấy tiền đâu đi?'.

Nghe chị nói, nhìn hoàn cảnh của chị, chúng tôi lặng người. Mọi lời động viên dường như hơi thừa với chị bởi chị cũng đã cố gắng nhiều rồi.

Chuyện tình buồn

Không khí căn phòng trở nên ngột ngạt. Có lẽ câu chuyện đi vào giai đoạn nặng nề nhất của một gia đình. Gương mặt chị Yến buồn thấy rõ. Chúng tôi chuyển hướng, 'trước khi bị nạn chuyện tình cảm của chị thế nào?'.

Ngôi nhà mẹ con chị Yến đang thuê ở.

Chị cười gượng, 'nhắc lại chi cho buồn ? Nhưng thôi, đã kể thì kể hết. Tôi có nhiều bạn bè lắm nhưng không yêu ai. Mãi đến khi 28 tuổi mới quen được một anh. Anh này con nhà giàu. Anh về xin phép cha mẹ cưới tôi nhưng khi biết được gia đình tôi không môn đăng hộ đối với họ, mẹ anh ấy từ chối tôi. Anh ấy và tôi buồn lắm nhưng biết làm sao bây giờ...'.

'Cuộc tình của chúng tôi không thành nhưng chưa tan vỡ. Chúng tôi không cưới nhau được nhưng vẫn lui tới thăm nhau cho đến khi tôi bị nạn.

Theo lời kể lại, lúc tôi hôn mê, anh đứng bất động bên giường bệnh. Tôi nằm đó nhưng có biết gì đâu. Sau này anh vẫn vào thăm tôi ở bệnh viện và cả ở nhà khi xuất viện.

Lúc này tôi nghĩ lung tung lắm. Lúc trước còn đủ tay, mẹ anh còn không muốn huống chi bây giờ. Tôi có nói với anh nhưng anh không chịu, vẫn đến thăm tôi thường xuyên.

Sau đó, có lẽ vì cảm thấy tuyệt vọng anh lao vào rượu chè. Một lần anh say quá nhưng vẫn cố đi xe máy về. Chẳng may tai nạn đến với anh. Anh mất. Tôi hụt hẫng vô cùng', chị Yến nhớ lại, đôi mắt đã ngân ngấn lệ.

Bà Nguyễn Thị Ta - 70 tuổi, mẹ chị Yến cho biết, hiện nay chị mang rất nhiều bệnh trong người. Chị đã từng trải qua phẫu thuật u xơ tử cung, tim hở 3 lá, nhồi máu não. Nói đến đây, bà đem ra cho chúng tôi xem một giỏ vỏ chai dầu gió. 'Mỗi lần nó đau đầu, tôi phải xức dầu lên đầu nó mới bớt. Cứ hai ba ngày dùng hết một chai mà bây giờ đã đầy giỏ rồi. Tôi chỉ mong sao có tiền đưa nó đi khám bệnh. Nhưng khó quá anh ơi...'.

Chị Yến trải lòng với chúng tôi, 'ngồi không buồn quá nên mỗi lần má giặt đồ tôi phụ má xả. Sáng nào cũng vậy, tôi lau nhà giúp má. Tất cả tôi làm bằng 2 chân. Có như vậy mới vận động cơ thể được'.

Cứ thế, cuộc sống của một người già, một người tàn tật trong căn nhà trọ lặng lẽ trôi qua trong những tiếng thở dài...

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 19/08/2019   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/cuoc-doi-bi-ai-cua-nguoi-phu-nu-tung-bi-nha-trai-tu-choi-cuoi-558727.html?fbclid

Trần Chánh Nghĩa