Nghĩ về đạo hiếu trong mùa Vu lan

Dòng chảy - Ngày đăng : 19:35, 27/08/2023

Trong tháng Bảy - Vu lan, đạo hiếu được nhắc nhở nhiều, không chỉ ở chùa mà trong mỗi gia đình.

Trong tuần kế rằm tháng Bảy, tôi tham gia hai sự kiện về Vu lan. Một sự kiện cấp chùa - ngôi chùa quen mà mình thỉnh thoảng ghé thăm, lễ Phật. Và một sự kiện tọa đàm chủ đề "Đạo làm con" do Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM phối hợp với một đơn vị khác tổ chức.

bfb.jpg
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và chuyện về bông hồng cài áo

Điểm chung của những sự kiện mùa Vu lan trong nhiều năm qua mà tôi được dự là luôn mang đến xúc cảm sâu lắng, chân thành. Cô Phật tử pháp danh Diệu Thiện (70 tuổi) ở Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) nói với tôi: "Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi khi nhớ về ba mẹ bác đều thấy mình bé nhỏ, cảm xúc nhất là lúc cài hoa hồng. Nhìn đóa hồng trắng trên ngực áo lại thấy chạnh lòng, tự nhiên nước mắt chảy ra…".

Trong khi đó, Phật tử Nguyên Tuệ (20 tuổi) thì bày tỏ: "Là người khá cứng rắn, lại là nam nhưng mỗi khi nghe cảm niệm về Vu lan, tôi không thể kìm được lòng mình. Và khóc là cách để tâm mình dịu lại khi nhớ về ba mẹ mình".

Nước mắt của người dự lễ Vu lan có thể là hối lỗi, có khi vì xúc động khi hồi tưởng lại ơn cha, nghĩa mẹ, của mình. Dù là gì, thì đó đều là nước mắt của sự quay về, đáng quý. Nhưng, chỉ dừng lại ở cảm xúc, rồi đâu lại vào đó thì có lẽ là chưa đủ.

Nghĩ về đạo hiếu trong mùa Vu lan - 1

Người phụ nữ cài đóa hoa hồng đỏ thắm lên ngực áo cho con gái của mình tại lễ Vu Lan báo hiếu cho các phật tử tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, TP Hòa Bình (Ảnh: Ngô Trần)

Nghi thức cài hoa hồng trở thành nét văn hóa mùa Vu lan, ý tưởng bắt nguồn từ đoản văn "Bông hồng cài áo" do Thiền sư Nhất Hạnh viết năm 1962. Đoản văn này được đọc lại mỗi mùa Vu lan và bao giờ cũng khiến người nghe rưng rưng vì chạm được vào trái tim. Thầy khuyên, mỗi người hãy tận hưởng hạnh phúc khi còn có mẹ, vì mẹ là điều kiện hạnh phúc tuyệt vời nhất.

"Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Ðòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con", Thiền sư nhắn nhủ.

Ở chương trình "Đạo làm con", người dẫn chương trình hỏi tôi rằng: Có bao giờ anh làm cho má mình buồn không? Tôi đã không ngần ngại trả lời đã từng làm má buồn không chỉ một mà nhiều lần. Đó là khi tôi trách má sinh mình ra trong hoàn cảnh không cha, nhà nghèo. Là khi tôi giận dỗi má chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Là lúc tôi rời má lên TPHCM học để má lo, má khóc. Rồi khi đi làm, tôi nói rằng, con sẽ về thăm má thường xuyên nhưng đó chỉ là mỗi năm một lần. "Dạo này con bận quá, công việc nhiều quá", tôi hay nói vậy để lý giải vì sao mình ít về.

hjj.jpg
Hãy hướng về mẹ ngay cả khi có sự khác biệt giữa thế hệ

Tất nhiên, tuổi trẻ, ai cũng cần làm việc và khẳng định bản thân nhưng nếu ta thiếu cân bằng trong ứng xử, trong lối sống thì mình sẽ đánh mất nhiều thứ. Dành quá nhiều thời gian cho công việc, cho một mối quan hệ bên ngoài, thiếu chăm sóc mối quan hệ thân gần, nhất là bố mẹ là một thiếu sót rất lớn.

"Có nhiều bạn trẻ cứ nghĩ ba mẹ mình còn hoài. Nhưng thực tế, cuộc sống vô thường. Chính ta và ba mẹ đều đối mặt với vô thường, không ai biết sẽ rời đi khi nào". Thầy tôi từng nói như vậy khi chia sẻ với những bạn trẻ khi họ tìm tới chùa và hỏi, làm sao để hạnh phúc hơn.

Theo thầy, đó là trở về chăm sóc chính mình, gia đình, và những mối quan hệ thân gần. Có một sự thật kỳ cục là ta dễ dàng xởi lởi với người ngoài nhưng có khi về nhà thì mặt mày "đanh" lại. Ta đổ thừa cho "khoảng cách thế hệ", rằng bố mẹ không hiểu mình. Nhưng liệu rằng, ta đã cho bố mẹ cơ hội để hiểu mình. Và có lắng nghe bố mẹ để hiểu ngược lại, họ đang có khó khăn nào, có những nỗi buồn nào với ta?

Chỉ cần ngồi xuống, dành thời gian chất lượng - có mặt thực sự cho bố mẹ, cho con cái - thì sự kết nối của bố mẹ, con cái sẽ ngay lập tức được khai thông.

Thực ra, thế hệ này và thế hệ kia có lối sống, sự hiểu biết, quan điểm khác nhau là chuyện rất bình thường, đương nhiên. Nhưng, nếu có tình thương, chúng ta sẽ kết nối và dần xóa nhòa khoảng cách này khi có sự thông hiểu. Bố mẹ chấp nhận sự khác biệt của con từ suy nghĩ, lối sống, đến cả giới tính, lựa chọn nghề nghiệp; con hoan hỉ với việc bố mẹ vẫn còn những quan niệm truyền thống, chia sẻ, từng bước giúp bố mẹ hiểu và thương mình. Đó chính là cách làm mới mà có lẽ mỗi gia đình cần ngồi xuống.

Hiếu không phải một chiều. Nếu bố mẹ không có trách nhiệm với con thì cũng khó đòi hỏi con phải hiếu. Và bố mẹ muốn con có hiếu mà lại không thảo với ba mẹ mình thì làm sao trở thành tấm gương cho con trẻ noi theo? Do vậy, hạnh hiếu phải được trau dồi từ nền tảng gia đình, từ bố mẹ đối với ông bà rồi đến con cái với bố mẹ. Mỗi thế hệ tuy có khác nhau về quan niệm sống nhưng hiếu thì có lẽ vẫn luôn là vậy. Sự kính trọng, kết nối, thông hiểu của bố mẹ, con cái chính cơ hội để cho hiếu nghĩa được biểu hiện trọn vẹn nhất.

Xã hội hiện đại, việc con cái sống riêng, đi xa bố mẹ, rời quê lên phố là điều phổ biến, diễn ra ở hầu hết các gia đình. Rất may, công nghệ phát triển đã giúp cho khoảng cách địa lý trở nên gần gũi hơn. Quan trọng vẫn là khoảng cách từ trái tim đến trái tim. Nếu cái tâm cái tình của bố mẹ, con cái không đủ sâu nặng thì một cuộc gọi cũng là khó, một bữa cơm chung, để tâm tình, sẻ chia càng khó hơn. Và cứ vậy, vô tình ta thành người bất hiếu.

Trong tháng Bảy - Vu lan, đạo hiếu được nhắc nhở nhiều, không chỉ ở chùa mà trong mỗi gia đình. Vu lan thì có mùa nhưng hiếu đạo thì bốn mùa. Hiếu được Đức Phật tán dương là "hạnh Phật", "tâm Phật". Từ đông tây, kim cổ, người có hiếu luôn được ngợi ca, vậy thì có lý do gì ta không học và hành để trở thành người tỏa sáng, gia nhập đoàn thể sống đẹp giữa cuộc đời này.

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!