Điểm tin công nghệ 28/8: BKAV: 100.000 máy tính Việt Nam nhiễm mã độc đánh cắp tài khoản Facebook
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 28/08/2023
- BKAV: 100.000 máy tính Việt Nam nhiễm mã độc đánh cắp tài khoản Facebook
Hệ thống giám sát và cảnh báo mã độc của BKAV ghi nhận số lượng máy tính nhiễm mã độc Fabookie chuyên đánh cắp tài khoản Facebook Business dành cho doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng cao.
Ghi nhận từ hệ thống giám sát và cảnh báo mã độc của BKAV cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, khoảng 100.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc Fabookie chuyên đánh cắp tài khoản Facebook Business của người dùng.
Các chuyên gia BKAV phân tích, theo xu hướng của các mã độc thế hệ mới, Fabookie chỉ nhắm vào các máy chạy hệ điều hành 64-bit. Mã độc này thực hiện việc đánh cắp thông qua cookie (cookie được dùng với mục đích phổ biến là để lưu trữ phiên đăng nhập) và mật khẩu được lưu trong trình duyệt, tương tự các mẫu mã độc đánh cắp tài khoản khác. Đối với đa số trang web, nếu tin tặc có được phiên đăng nhập cùng với mật khẩu là có thể thực hiện đổi mật khẩu, từ đó chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn tài khoản nạn nhân.
Đáng chú ý, Fabookie được thiết kế đặc biệt để tấn công các tài khoản Facebook Business. Mã độc này sẽ kiểm tra cookie đã giải mã, xem tài khoản có đang được đăng nhập hay không, sau đó sử dụng Facebook Graph API Queries, một phương thức truy vấn dữ liệu từ Facebook, để truy vấn thêm các thông tin về tài khoản, phương thức thanh toán, số dư....
Nếu khối dữ liệu khai thác thành công và thông tin đánh cắp được là từ tài khoản Facebook Business, tin tặc có thể sử dụng chính tài khoản nạn nhân để âm thầm chạy quảng cáo thay vì ngay lập tức đổi mật khẩu và chiếm tài khoản.
Các chuyên gia của BKAV nhận định, điều này sẽ tạo điều kiện cho tin tặc đạt được nhiều mục đích khác như kiếm thêm lợi nhuận, sử dụng SEO (nâng cao thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm) cho các trang web phát tán mã độc...hơn là chiếm đoạt luôn tài khoản, sẽ ảnh hưởng tới người quản trị mạng và tài khoản Facebook của doanh nghiệp sẽ bị ngắt kết nối với thẻ tín dụng.
- Cảnh báo: Dán đè mã QR giả lên mã thật để đánh tráo, chiếm đoạt tiền
Lợi dụng việc quét mã QR trên điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, kẻ gian có thể thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Tình trạng lừa đảo bằng mã QR được ghi nhận tăng mạnh trên thế giới, thậm chí xuất hiện cả ở Việt Nam trong thời gian qua.
Một ngân hàng tại Việt Nam đầu tháng 8-2023 phát cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR. Cảnh báo cho biết kẻ gian sau khi kết bạn qua mạng xã hội để trao đổi với nạn nhân sẽ gửi mã QR để người dùng quét. Mã này dẫn tới các website giả mạo ngân hàng, trong đó yêu cầu người dùng nhập thông tin họ tên, số CCCD, tài khoản, mã bí mật hoặc OTP. Từ đó, người dùng bị chiếm tài khoản.
Tổ chức bảo mật Cofense mới đây phát hiện "chiến dịch mã QR" nhắm tới thông tin đăng nhập của người dùng Microsoft tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Mỹ. Chuyên gia của Cofense cho biết kẻ xấu đã gửi mã QR tới email dưới dạng tệp hình ảnh hoặc PDF, dẫn tới website mạo danh Bing.com nhưng thực chất là trang chứa mã độc.
Cuối tháng 7-2023 cũng đã xảy chiến dịch "đánh tráo mã QR" tại các trạm đỗ xe công cộng ở Anh. Theo đó, kẻ gian dán đè mã QR gốc của đơn vị quản lý và khi người dùng quét mã để thanh toán dịch vụ, họ bị dẫn đến một trang giả mạo và bị dụ nhập thông tin tài khoản. Nhiều người cho biết đã bị dịch vụ mạo danh này âm thầm trừ tiền trong thời gian dài với khoảng 50 euro/tháng.
Tình trạng dán đè nhằm "đánh tráo mã QR" chuyển tiền gần đây cũng được ghi nhận ở Việt Nam.
- Groq bắt tay với Samsung sản xuất dòng chip thế hệ mới tại Mỹ
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, công ty giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) Groq của Mỹ thông báo đã đạt thỏa thuận với công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc sản xuất dòng chip mới.
Trong thông báo, Groq cho biết sẽ phối hợp với nhóm thiết kế Samsung Foundry và sản xuất chip theo quy trình SF4X (sản xuất chip 4nm) - công nghệ nền tảng FinFET 4nm tiên tiến của Samsung.
Dòng chip này dự kiến được đưa vào sản xuất tại nhà máy mới của Samsung tại thành phố Taylor, bang Texas (Mỹ) vào năm 2025.
Công ty giải pháp AI của Mỹ cho biết thỏa thuận hợp tác mới này sẽ giúp hoàn thiện dây chuyền kỹ thuật và sản xuất của Groq đặt toàn bộ tại Bắc Mỹ, theo đó giúp đảm bảo nguồn cung ổn định và tiết kiệm thời gian giao hàng.
Trưởng bộ phận điều hành nhà máy sản xuất chip của Samsung tại Mỹ, ông Marco Chisari, nhấn mạnh Samsung Foundry cam kết thúc đẩy công nghệ bán dẫn và đưa ra thị trường các giải pháp đột phá về AI, điện toán hiệu năng cao và trung tâm dữ liệu.
Ông Chisari cho rằng thỏa thuận này với Groq là một minh chứng khác cho thấy các quy trình sản xuất tiên tiến của Samsung đang được ứng dụng hiệu quả, giúp cải tiến các sản phẩm AI trên thị trường.
Năm 2022, Samsung - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đã triển khai xây dựng nhà máy chế tạo chip trị giá 17 tỷ USD tại Taylor, Texas, với mục tiêu hoàn thành xây dựng vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất vào năm sau.
Đây là lần đầu tiên danh tính một khách hàng của nhà máy chế tạo chip của Samsung tại Taylor được tiết lộ chính thức. Tháng trước, giám đốc điều hành của Samsung phụ trách mảng kinh doanh chip, ông Kyung Kye-hyun, cho biết các lô hàng chip 4nm đầu tiên sẽ được xuất xưởng từ nhà máy Taylor vào cuối năm 2024.
Công ty giải pháp AI Groq do cựu giám đốc điều hành của Google, ông Jonathan Ross sáng lập vào năm 2016. Công ty chuyên thiết kế và sản xuất chipset cho các ứng dụng công nghệ deep-learning.
- Hàng loạt người dùng gặp lỗi màn hình xanh khi cập nhật Windows 11 mới
MSI vừa xác nhận hiện tượng màn hình xanh (BSOD) mà hàng loạt người dùng Windows trên toàn cầu gặp phải gần đây có liên quan tới một số mẫu bo mạch chủ của hãng và bản cập nhật Windows 11 mới.
Động thái mới diễn ra chỉ 1 ngày sau khi hàng loạt người dùng trên toàn cầu thông báo về lỗi màn hình xanh mà họ vấp phải trên máy tính, sau khi cài đặt bản cập nhật Windows 11 mang số hiệu KB5029351.
Hãng công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: "MSI đã nhận được một số báo cáo về việc người dùng gặp phải màn hình xanh chết chóc với thông báo lỗi "UNSUPPORTED_PROCESSOR" (bộ xử lý không tương thích" trên các hệ thống với bo mạch chủ sử dụng chipset đời 600/700 của MSI. Hiện tượng này phát sinh sau khi cài đặt bản cập nhật KB5029351 của Windows 11. MSI và Microsoft đều đã ghi nhận lỗi "UNSUPPORTED_PROCESSOR" và đã bắt đầu điều tra nguyên nhân".
Trong khi đó, Microsoft cho biết thêm, các máy tính sẽ bị ảnh hưởng trên cả Windows 10 phiên bản 21H2 và 22H2, cùng Windows 11 22H2.
- Tấm séc có chữ ký của Steve Jobs và Woz "gây sốt" với trị giá 3,2 tỷ đồng
Tấm séc được ký bởi Steve Jobs và Steve Woz trước khi Apple được thành lập vừa được bán đấu giá gấp khoảng 214 lần giá trị mệnh giá ngày nay.
Mới đây, một tấm séc do Steve Jobs và Steve Wozniak ký trong quá trình tạo ra Apple I đã được bán đấu giá vượt xa mức dự đoán. Trước đó, không ít tấm séc của Steve Jobs đã từng được bán đấu giá nhưng tấm séc này trên RR Auction chỉ là tấm séc thứ hai được viết bởi ông và người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak. Tấm séc này được ký trước khi thành lập Apple khoảng 13 ngày và là bước kiểm tra tạm thời trước khi tài khoản của 2 vị đồng sáng lập được mở chính thức.
Nhà đấu giá ước tính tấm séc sẽ được bán với giá ít nhất 50.000 USD (tương đương 1,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, tấm séc này đã được bán với giá 135.261 USD (khoảng 3,24 tỷ đồng), gấp khoảng 214 lần giá trị mệnh giá ngày nay.