Nhật biết triệu chứng khác nhau giữa ngộ độc và dị ứng thực phẩm

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:10, 26/08/2023

Để điều trị kịp thời, hiệu quả ngộ độc và dị ứng thực phẩm cần phải phân biệt được những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn giữa 2 loại bệnh này.

Ngộ độc thực phẩm

"Thủ phạm" phổ biến gây ngộ độc thực phẩm bao gồm Salmonella, E.coli, norovirus và Campylobacter. Cơ thể bị ngộ độc thực phẩm khi tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc chất độc có hại do các vi sinh vật này tạo ra. Các triệu chứng thường bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng và sốt.

Dị ứng thực phẩm

Còn dị ứng thức phẩm là phản ứng miễn dịch quá mức đối với các thành phần thực phẩm, thường là các protein. Dị ứng có thể là các triệu chứng nhẹ như nổi mề đay hoặc ngứa đến phản ứng nghiêm trọng như khó thở hoặc sốc phản vệ. Các chất gây dị ứng phổ biến bao gồm đậu phộng, động vật có vỏ, sữa, trứng và lúa mì.

Dị ứng thức ăn khác với không dung nạp thức ăn. Bởi không dung nạp thức ăn là một tình trạng ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ thống miễn dịch.

Nhận biết bằng thời gian của triệu chứng

Một yếu tố để phân biệt giữa ngộ độc với dị ứng thực phẩm là thời gian của các triệu chứng. Thời gian xuất hiện tình trạng dị ứng thực phẩm tùy thuộc vào tốc độ phản ứng của cơ thể với loại thực phẩm đó và cơ địa của từng người. Thời gian bị dị ứng có thể kéo dài từ 4-24 tiếng hoặc khoảng 2-3 ngày, sau đó sẽ khỏi hẳn. Còn các triệu chứng ngộ độc ở thể nhẹ thường tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần điều trị cụ thể.

Đối với một số người, một phản ứng dị ứng với một loại thức ăn cụ thể có thể gây khó chịu nhưng cũng không nghiêm trọng với cơ thể. Tuy nhiên, với người khác, một phản ứng dị ứng thức ăn có thể nặng nề và thậm chí còn đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng dị ứng thức ăn phổ biến nhất bao gồm:

- Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.

- Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở.

- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.

- Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Chẩn đoán và điều trị

Để chẩn đoán dị ứng thực phẩm, nhân viên y tế sẽ thực hiện xét nghiệm chích da và xét nghiệm máu. Không ăn thực phẩm gây dị ứng là phương pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, để phòng ngừa, người có tiền sử dị ứng thực phẩm cần mang theo thuốc khẩn cấp như epinephrine trong trường hợp vô tình ăn phải thực phẩm gây di ứng. Khi phát hiện tình trạng di ứng nặng, có thể sử dụng ống tiêm tự động để ngăn chặn nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Đối với ngộ độc thực phẩm, người bệnh được bù nước và khuyến cáo nghỉ ngơi, sử dụng đồ ăn thanh đạm. Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, điều quan trọng là phải thực hành vệ sinh tốt như rửa tay kỹ trước khi xử lý thực phẩm, ăn chín uống sôi và bảo quản tốt thực phẩm.