Cận cảnh con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:50, 24/08/2023
Xa lộ Hà Nội dài hơn 31km bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Chợ Sặt (TP Biên Hòa). Trong đó đoạn xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức đã được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp, có chiều dài gần 7,8km.
Việc đổi tên một đoạn xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp nhằm ghi nhận và tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, việc đổi tên sẽ hình thành một trục đường xuyên suốt xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ. Trục đường sẽ tạo nên sự gắn kết giữa sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử.
Kể từ ngày 23/8, xa lộ Hà Nội chính thức mang tên đường Võ Nguyên Giáp. Sự kiện này càng ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2023).
Các đại biểu có mặt tại buổi lễ thực hiện nghi thức đổi tên đường, chính thức gắn biển tên đường Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Quang Huy)
Đây là một trong những con đường cửa ngõ để vào nội ô TPHCM khi đi từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ. Mật độ giao thông trên con đường này luôn trong tình trạng đông đúc.
Đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 7,79km. Trong đó, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái có chiều dài 5,9km, đoạn từ Ngã tư Bình Thái đến Ngã tư Thủ Đức có chiều dài gần 1,89km.
Đường Võ Nguyên Giáp có quy mô 2 chiều với hơn 10 làn xe. Việc mặt đường rộng giúp các phương tiện lưu thông qua đây thuận lợi.
Ngoài cơ sở hạ tầng phát triển, dọc đường Võ Nguyên Giáp có nhiều tạo hình trang trí, cảnh quan hai bên đường ấn tượng.
Hệ thống cây xanh chạy dọc đường Võ Nguyên Giáp tạo bóng mát giúp người dân khi lưu thông qua con đường này giữa trời nắng nóng có thể dừng lại để nghỉ mát.
Song song với đường Võ Nguyên Giáp có dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự kiến chạy thử toàn tuyến vào ngày 29/8 tới đây (Ảnh: Hải Long).
Nút giao thông Cát Lái, đoạn giữa hai trục đường Võ Nguyên Giáp và Mai Chí Thọ là một trong những nút giao quan trọng bậc nhất ở khu vực cửa ngõ phía Đông nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Bắc và các cụm cảng (Ảnh: Hoàng Giám).
Trước đó, Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TPHCM đã họp cho ý kiến việc đổi tên đoạn đường trên thành đường Võ Nguyên Giáp. Tất cả thành viên có mặt đều tán thành phương án đổi tên này.
TPHCM cũng đã thực hiện lấy ý kiến các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, đoàn thể và nhân dân sinh sống trên tuyến đường này. Kết quả cho thấy, hầu hết ý kiến góp ý đều đồng tình với phương án đổi tên (91,57%).
Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cũng tán thành với phương án đổi tên đoạn đường trên thành đường Võ Nguyên Giáp, khi cho rằng, việc đặt tên đường sẽ thể hiện tình cảm của Đảng bộ và người dân TPHCM đối với vị Đại tướng có công lao to lớn của dân tộc.