Giữ chân bác sĩ giỏi trước sức hút của bệnh viện tư
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:47, 23/08/2023
Chú trọng đào tạo nhân lực tại chỗ
Năm 2023, chỉ tiêu chung của ngành y tế cả nước phấn đấu đạt 12 bác sĩ/vạn dân, 13 điều dưỡng/vạn dân, nhưng Quảng Nam hiện chỉ đạt 7,5 bác sĩ/vạn dân và 10,37 điều dưỡng/vạn dân, nằm trong nhóm tỉnh có tỉ lệ thấp trong cả nước.
“Hiện nay, tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tăng cao. Trong khi đó, số lượng bác sĩ, nhân viên y tế chưa đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, vẫn còn tình trạng thiếu nhân lực, nhất là các đơn vị chuyên khoa và tuyến y tế cơ sở” - đây là thực trạng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn chỉ ra sau buổi làm việc với Sở Y tế 6 tháng đầu năm 2023.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết, cuối năm 2022, Quảng Nam đã công nhận 401 thí sinh trúng tuyển viên chức y tế và phân bổ nhiệm vụ theo đề án việc làm do Sở Y tế xây dựng.
Sở đang phê duyệt kế hoạch thi tuyển và xét tuyển cho 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tự đảm bảo chi thường xuyên, gồm 154 chỉ tiêu bác sĩ và 31 chỉ tiêu các chuyên ngành khác. Dự kiến, trong quý IV/2023 sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức y tế đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc còn lại.
Nhiều năm qua, các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh lựa chọn, đưa các bác sĩ trẻ đi đào tạo liên tục từ chính nguồn kinh phí của BV.
“Đối với bác sĩ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được cử đi học sẽ được hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập theo quy định của Trung ương. Ngoài ra, địa phương cũng có nhiều ưu đãi để giữ chân người tài. Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài cho ngành Y tế” - ông Mai Văn Mười nói.
Giữ người tài
Sau khi Lao Động phản ánh về tình trạng chảy máu chất xám trong cơ sở y tế công lập Quảng Nam, đã nhận được nhiều phản hồi từ phía độc giả.
Bạn đọc Lily chia sẻ: “Đa số bác sĩ bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư nhân chứ ít khi thấy điều ngược lại. Ngoài tiền lương, chế độ ra thì môi trường làm việc là yếu tố rất quan trọng khiến bệnh viện công lập mất đi nhân lực.
Một độc giả khác nêu quan điểm, khi mới ra trường, bác sĩ trẻ muốn xin vào bệnh viện công vì được thực hành với nhiều ca khó, được đi học nâng trình độ để được cấp chứng chỉ hành nghề... Đối với bệnh viện tư thường tuyển dụng bác sĩ giỏi, có học hàm, học vị, có thương hiệu và chấp nhận trả lương cao hơn vì không mất kinh phí đào tạo.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã giao cơ chế tự chủ cho 32 đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025.
Trong đó, 9 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 21 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
“Việc tự chủ tài chính giúp các cơ sở y tế sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính, để tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho bác sĩ và nhân viên y tế. Đồng thời, chủ động đào tạo đối với các lĩnh vực thiếu nhân lực” - ông Mai Văn Mười đánh giá.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của các bệnh viện công, hiện giá viện phí ở cơ sở y tế công lập còn thấp, cần thay đổi giá dịch vụ y tế hợp lý hơn.
“Cơ cấu giá viện phí còn thiếu 3 yếu tố gồm: khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản và chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến hụt thu, ảnh hưởng đến thu nhập tăng thêm của cán bộ y, bác sĩ và công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư xây dựng bệnh viện. Do vậy, về lâu dài khó theo kịp bệnh viện tư nhân” - một vị lãnh đạo bệnh viện công tỉnh Quảng Nam cho biết.
“Thu nhập trung bình hiện nay của bác sĩ ở bệnh viện công tuyến tỉnh khoảng từ 15 triệu - 20 triệu đồng/tháng. Đó là khi có đông bệnh nhân, thu nhập tăng thêm cao, còn bệnh nhân ít thì thu nhập bác sĩ từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Còn ở bệnh viện tư, thu nhập trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/tháng” - một bác sĩ ở Quảng Nam chia sẻ.