TP.HCM trình Thủ tướng đề án xây dựng ‘siêu cảng’ Cần Giờ gần 5,5 tỷ USD
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:42, 23/08/2023
UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đề án, cảng Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.
Tổng mức đầu tư 'siêu cảng' này ước tính gần 129.000 tỷ đồng (tương đương gần 5,5 tỷ USD) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư theo 7 giai đoạn (giai đoạn cuối đến năm 2047).
Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến xây dựng tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km.
Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, trong đó có cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật....
UBND TP cho biết, 'siêu cảng' Cần Giờ có vị trí kết nối thuận lợi với Biển Đông theo luồng Vũng Tàu- Thị Vải, là luồng hàng hải quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ.
Đối với luồng đường thủy nội địa, cảng kết nối trực tiếp với hệ thống các tuyến luồng thủy nội địa chính của khu vực như Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ… thuộc tuyến đường thủy của hành lang vận tải thủy khu vực phía Nam.
Về tác động đến môi trường, UBND TP cho biết vị trí cảng đề xuất ở khu vực vùng đệm, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Vị trí này cũng không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và vùng nước của TP.
Để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động đến môi trường, cảng sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại, các thiết bị sử dụng tại cảng sử dụng điện, nhằm hạn chế cao nhất chất thải các loại ra môi trường.
Dự kiến năm 2027 đưa 'siêu cảng' vào khai thác
Trong tờ trình gửi Thủ tướng, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của thành phố và khu vực, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới với công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu TEU, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu TEU.
Thành phố phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng dự án, đưa vào khai thác (giai đoạn 1, 2) trước năm 2030. Cụ thể, chuẩn bị đầu tư ở giai đoạn 2023 – 2024, xây dựng ở giai đoạn 2024 – 2026 và khai thác cảng từ năm 2027.
Đến năm 2047 sẽ khai thác hết công suất, mỗi năm cảng Cần Giờ sẽ góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.
Ngoài ra, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...
Để kết nối với "siêu cảng", giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP.HCM đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ kết nối Nhà Bè với Cần Giờ; đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh; nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.
Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác; đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác (từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa).
TP.HCM cũng nghiên cứu phát triển, hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè; xây dựng phương án cấp điện, nước, thông tin liên lạc, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác, đầu tư hạ tầng dịch vụ...