'Người dân có thể yêu cầu công ty đấu giá biển số ô tô hoàn tiền'
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:30, 23/08/2023
Cách xử lý của công ty đấu giá gây bức xúc cho dư luận
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 23/8, về việc tại buổi đấu giá biển số ô tô đầu tiên diễn ra vào 9h15 ngày 22/8, nhiều người đã không thực hiện thành công do "nghẽn mạng", luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng cách xử lý của công ty đấu giá chưa tốt gây bức xúc dư luận.
Ông Hướng cho biết, qua thông tin báo chí phản ánh, sự cố lỗi hệ thống trang đấu giá biển số ô tô của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, là do lưu lượng truy cập vào trang đấu giá tăng cao đột biến.
Theo ông Hướng, trước khi tổ chức đấu giá, công ty đấu giá đã nhận được hồ sơ tham gia đấu giá và có thể dự trù trước số lượng người truy cập vào trang đấu giá.
"Nếu Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam chuẩn bị các phương án dự phòng, những tình huống có thể xảy ra trong phiên đấu giá trực tuyến thì có lẽ đã khắc phục tốt hơn các lỗi kỹ thuật nêu trên", ông Hướng nói.
Cũng theo vị luật sư, sau khi sự cố xảy ra, cách ứng phó của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cũng chưa tốt, dẫn đến bức xúc cho dư luận. Cụ thể như hệ thống gặp lỗi, nhưng tới 9h ngày 22/8, phía công ty đấu giá vẫn gửi tin nhắn thông báo tới khách hàng cho biết phiên đấu giá sắp bắt đầu.
Ngoài ra, sau khi đọc thông cáo báo chí, lãnh đạo Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam lập tức rời khỏi hội trường và không để cơ quan báo chí đặt câu hỏi.
"Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cần phải giải thích rõ cho người tham gia đấu giá biết về sự cố, phương án giải quyết, số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá, trả lời các thắc mắc liên quan và chân thành xin lỗi về sự cố.
Công ty đấu giá cũng cần phải giải thích rõ ràng lý do, việc sập trang đấu giá thông qua quan điểm về sự cố của các bộ phận, chuyên môn, bồi thường những thiệt hại nếu có yêu cầu", luật sư Hướng nhìn nhận.
Cần khắc phục các lỗi kỹ thuật
Cũng theo dõi vụ việc này, trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Thị Thu, Giám đốc Công ty luật MTV Hoàng Thu cho biết, hiện nay, các nội dung liên quan đến việc đấu giá biển số ô tô đang được đông đảo người dân trên cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo luật sư Thu, căn cứ quy định tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2017, đơn vị tổ chức đấu giá có trách nhiệm đáp ứng các điều kiện có hệ thống, hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá trực tuyến; có đội ngũ nhân viên điều hành hệ thống kỹ thuật trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Ngoài ra, công ty đấu giá cũng phải có phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật trang đấu giá trực tuyến.
"Như vậy, để tổ chức một phiên đấu giá biển số ô tô, trước hết đơn vị tổ chức đấu giá phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật đáp ứng đúng quy định pháp luật", bà Thu nhận định.
Cũng theo luật sư Thu, tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, trong trường hợp do lỗi kỹ thuật của hệ thống đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản, khiến cuộc đấu giá không bắt đầu được, đơn vị tổ chức đấu giá có trách nhiệm dừng cuộc đấu giá trực tuyến và thông báo ngay cho người có tài sản quyết định thời gian đấu giá lại.
Ngoài ra, cũng phải hủy cuộc đấu giá trực tuyến trong trường hợp do lỗi kỹ thuật của hệ thống đấu giá trực tuyến, của tổ chức đấu giá tài sản, sau khi cuộc đấu giá bắt đầu, và thông báo cho người có tài sản biết để quyết định thời gian đấu giá lại.
Hơn nữa, trong quy chế đấu giá, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam - đơn vị được Bộ Công an ký hợp đồng tổ chức đấu giá biển số ô tô, đã dành riêng một điều khoản để quy định về cách xử lý khi có trường hợp phát sinh của trang thông tin đấu giá trực tuyến.
Theo đó, cuộc đấu giá biển số ô tô sẽ bị dừng và được tổ chức lại nếu xảy ra lỗi kỹ thuật của trang đấu giá trực tuyến, khiến cho người tham gia đấu giá không thể trả giá được; trả giá hợp lệ nhưng không được hệ thống ghi nhận; ghi nhận sai thời gian trả giá; cuộc đấu giá không bắt đầu được.
Ngoài ra, việc dừng cuộc đấu giá phải được ghi nhận bằng biên bản có chữ ký xác nhận của đấu giá viên và cán bộ giám sát đấu giá.
"Do buổi đấu giá ngày 22/8 chưa bắt đầu, nên việc Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam dừng cuộc đấu giá là phù hợp, nhưng việc không thông báo cụ thể thời gian tổ chức đấu giá lại khiến rất nhiều người tham gia đấu giá hoang mang là chưa đúng quy định", luật sư Thu nói.
Theo luật sư, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia đấu giá, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cần nhanh chóng thông báo đến người tham gia đấu giá thời gian tổ chức đấu giá lại, cũng như quyền lợi của người tham giá đấu giá trong phiên đấu giá lại.
Ngoài ra, cần kịp thời phản hồi, giải đáp các thắc mắc, khiếu nại, yêu cầu của người tham gia đấu giá và khắc phục toàn bộ lỗi về mặt hạ tầng kỹ thuật để tổ chức phiên đấu giá lại theo đúng thời gian đã thông báo.
Trường hợp Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm nêu trên, người tham gia đấu giá có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức đấu giá giải quyết hoàn trả tiền đặt trước, và kiến nghị thẩm định lại điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến của Công ty này.
Như đã đưa tin, chiều 22/8, bà Lâm Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã gửi lời xin lỗi khách hàng vì buổi đấu giá biển số ô tô sáng cùng ngày không thành công do "lỗi hệ thống".
Sau khoảng 5 phút công bố lý do về buổi đấu giá sáng cùng ngày và xin lỗi khách hàng, lúc 14h20, bà Lâm Thị Mai Anh đã nhanh chóng rời khỏi buổi thông tin. Mặc dù lúc này, hàng chục phóng viên của nhiều cơ quan báo chí mong muốn được đặt các câu hỏi với lãnh đạo công ty xung quanh lý do dẫn đến việc đấu giá biển số ô tô "thất bại".