Đại án Việt Á và bài học kiểm soát quyền lực
Pháp luật - Ngày đăng : 16:10, 22/08/2023
Cơ quan chức năng vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can trong đại án Việt Á. Trong số này có 2 cựu bộ trưởng là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, tội nhận hối lộ) và ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí).
Trong kết luận này, cùng với nội dung cáo buộc hành vi phạm tội của các bị can, cơ quan điều tra đồng thời kiến nghị tăng cường "kiểm soát quyền lực người đứng đầu" hai bộ liên quan.
Sở dĩ có kiến nghị này là vì quá trình điều tra cho thấy, công tác kiểm tra giám sát quyền lực ở hai bộ này đã bị buông lỏng, quyền lực đã bị lạm dụng, tạo kẽ hở để những hành vi bất chính có cơ hội nảy nở và tác oai tác quái, gây ra nhiều hệ lụy cho công cuộc chống dịch, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước và nhân dân trong cơn khốn khó, hoảng loạn và chết chóc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: "Quyền lực có tính hai mặt. Quyền lực nếu được sử dụng đúng đắn sẽ có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Ngược lại, nếu bị thoái hóa, biến chất thì quyền lực sẽ có tác hại ghê gớm, thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ xã hội".
Qua vụ Việt Á một lần nữa chúng ta thấy rằng quyền lực khi không được kiểm soát đã "tác hại ghê gớm" như thế nào. Trong vòng xoáy kim tiền của Việt Á, ít nhất 3 người từng là Ủy viên Trung ương bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị khởi tố là ông Nguyễn Thanh Long, ông Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Đó là chưa kể gần 100 bị can khác từng là cán bộ cấp vụ thuộc bộ, lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo CDC nhiều tỉnh, thành phố, thư ký Phó Thủ tướng… cũng phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật và tòa án lương tâm khi đã tiếp tay cho Việt Á làm mưa làm gió trên thị trường mua bán hơn 8,3 triệu bộ kit test Covid-19 với giá trên trời, trục lợi bất chính giữa những ngày đất nước phải vật vã với công cuộc chống dịch, hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh mất mát người thân mà không được nhìn nhau lần cuối.
Ở đại án Việt Á, điều dễ thấy nhất là các cựu bộ trưởng Y tế, Khoa học và Công nghệ đã sử dụng quyền lực được giao một cách tùy tiện để tiếp tay cho Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Á, chiếm đoạt công trình nghiên cứu khoa học của nhà nước, nâng giá kit test lên gấp nhiều lần, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 400 tỷ đồng và thu lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng.
Tất nhiên, không có sự "xiên xẹo" nào của quan chức là vô tư. Những túi quà chứa đô la Mỹ mà Việt Á mang đến phòng làm việc và nhà riêng của các quan chức đã "bẻ cong" các quy định pháp luật, quy chế làm việc và đạo đức công vụ. Người dân tự hỏi, vì sao những hành vi phạm tội "động trời" như vậy dễ dàng được thực hiện mà không được kiểm soát, không được ngăn chặn kịp thời, trong khi chúng ta đâu phải thiếu các quy định, cơ chế, tổ chức giám sát?
Rõ ràng, khi mọi thứ thiếu minh bạch, khi quyền lực của người đứng đầu không được kiểm soát, thì quyền lực ấy dễ bị lạm dụng, tha hóa, biến công quyền thành tư quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, phe nhóm. Khi các quan chức chọn cách dùng quyền lực để đổi lấy đô la, thì chuyện họ bị những kẻ có tiền như Phan Quốc Việt nắm thóp là đương nhiên và các quy định, cơ chế giám sát lúc đó đã bị vô hiệu hóa.
Cuối tháng 1/2021, các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăng trở thành Ủy viên Trung ương, sau đó được bố trí vào những vị trí lãnh đạo quan trọng và ngã ngựa chỉ một năm sau đó. Tuy nhiên, sự tha hóa của họ thì đâu phải chỉ trong một ngày hai ngày khi đây là những cán bộ đã qua nhiều vị trí công tác, qua nhiều vòng lựa chọn, đánh giá, bổ nhiệm.
Quá nửa nhiệm kỳ đã qua, cũng là lúc chúng ta bắt tay vào giới thiệu, chuẩn bị quy hoạch nhân sự Ủy viên trung ương cho nhiệm kỳ XIV. Thế nên việc 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, có những người bị khởi tố, chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng (gồm cả 3 cựu ủy viên Trung ương trong vụ Việt Á) cần được thẳng thắn nhìn nhận như những bài học kinh nghiệm sâu sắc và đớn đau để các cấp có thẩm quyền tìm được cho Đảng những cán bộ thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.
Hay nói khác, đó phải là những cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, dám hy sinh, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có bàn tay sạch.
Muốn vậy, điều cần nhất lúc này là các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo ở địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải thực sự nêu cao trách nhiệm trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch, để có thể nhìn rõ tiềm năng phát triển của cán bộ mà giới thiệu cho Đảng. Cần có cơ chế khuyến khích, khen thưởng cho tập thể, cá nhân nếu giới thiệu được nhân sự tốt vào trung ương. Ngược lại, sẽ bị xử lý kỷ luật nếu vì phe cánh, mà giới thiệu vào trung ương những người có biểu hiện suy thoái, tham nhũng, cơ hội chính trị.
Lịch sử từng ghi nhận nhiều nhân tài của đất nước được phát hiện, tiến cử và đã trở thành những bậc hiền tài lương đống của quốc gia. Họ được tiến cử bởi những người có tâm vì sự nghiệp chung và đã bộc lộ tài năng nổi trội khi có điều kiện thử thách qua thực tế, đóng góp xứng đáng cho dân cho nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn công tác cán bộ". Bởi "cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được".
Do đó, làm tốt việc giới thiệu, quy hoạch cán bộ vào Trung ương là bước chuẩn bị quan trọng, trách nhiệm để khóa XIV, Đảng ta có đội ngũ cán bộ lãnh đạo xứng tầm nhiệm vụ mà đất nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.