Nữ tiến sĩ thấy "cuộc đời thế là tàn" khi hôn nhân tan vỡ
Gia đình - Ngày đăng : 14:10, 22/08/2023
Vỏ bọc gia đình hạnh phúc
Vượt qua cú sốc hôn nhân tan vỡ nhiều năm trước, chị, một nữ tiến sĩ, chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi tọa đàm về làm cha mẹ đơn thân diễn ra ở TPHCM.
Khi lập gia đình, bản thân chị xác định vợ chồng sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời. Vậy nhưng, cuộc hôn nhân tan vỡ năm chị 34 tuổi.
Nhiều phụ nữ bước vào cuộc sống đơn thân với nhiều khó khăn, áp lực về tâm lý (Ảnh: H.N).
Đứng trước bước ngoặt lớn, chị từng nghĩ: "Cuộc đời thế là tàn". Dù xinh đẹp, giỏi giang, học vị tiến sĩ, từng là thủ khoa một trường đại học top đầu cả nước nhưng khi đó, chị vẫn cảm giác bản thân thất bại, vô giá trị vẫn bao trùm.
Với chị, đã ly hôn thì đời mình xem như không còn gì nữa. Cảm giác đeo nặng cho đến khi mẹ con bắt đầu cuộc sống mới...
Quá trình làm mẹ đơn thân, chị hiểu rằng, dù bản thân có cố gắng đến mấy cũng không thể thay được vai trò của người cha trong nuôi dạy con.
Người mẹ học cách thừa nhận, chấp nhận có những việc mình không làm được. Chị thừa nhận không thể dạy con lái xe sau lần té xe xanh tái mặt mày; thừa nhận không thể dạy con làm việc nhà tỉ mỉ như bố của chúng...
Chị cũng không cố để làm mọi thứ một cách cầu toàn cho con. Chị chọn làm những việc trong khả năng tài chính, sức lực của bản thân để tránh việc phải cố quá mức, tránh áp lực có thể gây căng thẳng lên mình và con.
Sau ly hôn, nhiều người có tâm lý bù đắp cho con bằng vật chất nhưng với chị: "Dành thời gian cho con, làm bạn của con quan trọng hơn bất cứ bù đắp nào về mặt vật chất".
Còn chị T.Nh, 32 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM đến giờ vẫn chảy nước mắt khi nhắc lại cuộc ly hôn hơn hai năm trước của mình. Chị khóc không phải vì đau khổ, chán chường mà bởi những cảm xúc chất chứa về hành trình mình đang trải qua.
Trước giờ, chị thường trưng ra "vỏ bọc" gia đình hạnh phúc với mọi người. Khi ly hôn, chị bị giày vò trong suy nghĩ "mình là kẻ thất bại, mình không còn giá trị" cùng cảm giác hoang mang, sợ điều tiếng, vì chị mà bố mẹ ở quê đang sốc lên sốc xuống...
Thời gian dài, chị đổ lỗi, bất cần, chán ghét mọi thứ. Chị tự cô lập mình và trốn trong chiếc vỏ xù xì, sợ hãi khi bất kỳ ai thăm hỏi, quan tâm...
Chị không ngại thừa nhận: "Khi đó tôi rất sân si, xấu xí. Tôi mò mẫm tra tìm xem bạn gái của chồng cũ là ai, bao nhiêu tuổi, mặt mũi ra sao. Tâm lý là cứ rình rập xem những người đó sống có yên ổn không".
Người mẹ không hiểu rằng bao nhiêu suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực đó của chị dội thẳng lên cô con gái nhỏ mới 4 tuổi. Cháu chống đối, phản kháng lại mẹ, càng làm chị càng vùng vẫy trong tổn thương.
Mất một thời gian để cân bằng, chị Nh. nhận ra, dù sống chung hay ly hôn thì chỉ khi người mẹ hạnh phúc, khỏe mạnh, bình an, tích cực thì mới có thể mang đến những điều đó cho con.
Chị T.Nh: "Sau ly hôn, tôi đã rất sân si, xấu xí..." (Ảnh: H.N).
Chị Nh. bắt đầu tập trung vào việc chữa lành, hoàn thiện, phát triển bản thân. Chị học cách lắng nghe, biết ơn, cởi mở hơn với mọi người, kể cả với chồng cũ và gia đình chồng cũ.
Giờ đây, phía bên kia đã bỏ chặn số với chị, hai bên đã có thể nói chuyện, tương tác để cùng trao đổi về việc chăm sóc con.
Trải qua vùng vẫy khổ đau, giờ chị có thể nói mình biết ơn chồng cũ, người thân của chồng cũ, những người đang cùng mình chăm sóc con gái chung của cả hai.
Ly hôn cần kiến thức và cả... mưu mô
Dành nhiều năm tìm hiểu về vấn đề gia đình hậu ly hôn, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập trường ngoại khóa Tomato chia sẻ, các nghiên cứu chỉ ra, khi nhận quyết định ly hôn, nhiều người phải đối mặt với cảm giác thấy mình không còn giá trị, không đáng giá.
Kể cả những mối quan hệ đã sứt mẻ, đổ vỡ, đoán được trước là sẽ tan vỡ thì người nhận quyết định ly hôn vẫn cảm thấy lòng tự tôn, giá trị bản thân bị ảnh hưởng, bị tổn thương.
Bà Phương nhấn mạnh, quá trình ly hôn cần rất nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Trong đó, vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc phân chia, chăm sóc con cái, cũng như ứng phó với những tác động đến tâm lý con cái.
Điều này đòi hỏi người trong cuộc phải kiên trì, nhẫn nại, đi chậm từng bước, có khi chấp nhận thiệt thòi.
"Theo tôi biết, ở Mỹ, khi ly hôn, người làm cha mẹ phải trải qua khóa học kiến thức, kỹ năng hậu chia tay, nuôi dạy con sau ly hôn, lấy chứng nhận nộp cho tòa", thạc sĩ Uyên Phương cho hay.
Con cái là vấn đề cần được quan tâm nhất trước chuyện ly hôn của bố mẹ (Ảnh minh họa).
Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có trên 60.000 vụ ly hôn, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi.
Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ ly hôn tập trung cao tại những thành phố lớn. Như tại TPHCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%), độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%.
Phải nói, ly hôn không còn là câu chuyện cá biệt của riêng ai mà đang được nhìn ở góc độ xã hội. Đi cùng ly hôn là nhiều vấn đề cần được giải quyết như tài sản, con cái, về sắp xếp cuộc sống mới, trong đó có người sẽ nuôi con một mình.
Quan trọng nhất, để chuẩn bị cho hành trình nuôi con một mình, người trong cuộc cần có chiến lược, đôi khi thậm chí cần thêm chút mưu mô, thủ đoạn. Chiến lược, thủ đoạn ở đây là tính toán về mặt kinh tế, sắp xếp thời gian, hỏi học, trang bị các kỹ năng khi một mình nuôi dạy con.
Theo Dân trí