Phát hiện sớm trẻ em mắc dị tật tim bẩm sinh từ trong bụng mẹ
Tin Y tế - Ngày đăng : 23:49, 21/08/2023
1% trẻ em sinh ra mắc tim bẩm sinh
Ngày 21.8, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức Hội nghị thường niên y học bào thai lần thứ I với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh: Từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh”.
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, GS.TS Nguyên Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho hay tim bẩm sinh là bất thường bẩm sinh thường gặp nhất chiếm khoảng 1% tổng số trẻ sinh hàng năm tại Việt Nam.
Tim bẩm sinh cũng gây ra những ca tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 10 tuần tuổi thai đến 1 năm sau sinh tại nước ta.
Đáng nói là mỗi năm tại Việt Nam có từ 8000 – 10.000 trẻ sinh ra bị tim bẩm sinh và chỉ có 50% số trẻ bị bệnh tim rất nặng, tuy nhiên chỉ 5000 trẻ được phẫu thuật sớm, một nửa số trẻ còn lại phải chờ, thậm chí có trẻ tử vong trước khi đến lượt phẫu thuật.
Việc đồng hành với sản phụ không may mang thai mắc tim bẩm sinh rất quan trọng để họ có cơ hội sinh con khỏe mạnh.
Chính vì thế, GS Nguyễn Duy Ánh cho rằng, hội nghị thường niên y học bào thai lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia về y học bào thai, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh trên thế giới sẽ giúp các bác sĩ được cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực tầm soát, khám phát hiện và chẩn đoán góp phần xử lý ngay bệnh từ lúc đang mang thai cũng như ngay sau sinh góp phần cứu sống trẻ và nâng cao chất lượng dân số.
"Đồng thời, qua đây cũng sẽ có tiếng nói chung trong toàn quốc về cách thức, sàng lọc chẩn đoán bệnh nếu cơ sở nào xử lý được đến đâu thì xử lý còn không thì sẽ có sự trao đổi để chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn", GS Ánh nói.
Những ca bệnh đặc biệt
Nhiều năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phát hiện sớm các bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh và có chiến lược chăm sóc, điều trị cho các sản phụ cho tới khi em bé chào đời.
Đơn cử, sản phụ 41 tuổi mang thai lần thứ 3, bị mắc tiểu đường thai kỳ, mắc ung thư tuyến giáp chưa điều trị. Ở tuần thai 26, trên siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai có nhịp nhanh trên thất, phù thai, dịch màng phổi 2 bên.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ được chỉ định điều trị nội khoa. Sau một tuần điều trị, thai có nhịp xoang, phù thai, có tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi ít, nhịp tim về 126 lần/phút.
Ở tuần 30, thai phụ không còn phù thai. Tuần 37, sản phụ được mổ lấy thai chủ động. Một tuần sau chào đời, nhịp tim thai của trẻ trở về bình thường. Đây là một trong những trường hợp được quản lý thành công trước sinh do nhịp nhanh kịch phát trên thất.
Mới đây nhất, sản phụ sản phụ (33 tuổi, thai IVF) được phát hiện bào thai ở tuần 22 có đảo gốc động mạch, vách liên thất. Vách liên thất liên tục không thấy luồng thông, hai động mạch song song, động mạch chủ đi ra từ thất phải, động mạch phổi đi ra từ thất trái.
Thai phụ được chăm sóc đặc biệt vì bệnh lý tim phụ thuộc ống của bào thai nếu không được chẩn đoán trước sinh và có kế hoạch hồi sức sơ sinh sẽ dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.
Các bác sĩ đã lập kế hoạch điều trị cho bé từ sớm. Ngay sau khi chào đời ở tuần 39, thai nhi được chuyển viện ngay 2 tiếng và được phẫu thuật ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương để sửa chữa dị tật tim bẩm sinh.
Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, thai nhi được chẩn đoán có bất thường tim bẩm sinh cần có kế hoạch quản lý thai kỳ phát hiện tất cả các bất thường kèm theo và chiến lược hồi sức sơ sinh cũng như theo dõi và điều trị sau sinh.Nếu bệnh lý tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh tương đối cao. Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này như suy tim, loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, tăng áp động mạch phổi, thậm chí dẫn đến tử vong.