Bảo dưỡng, sửa chữa ô tô điện và xe động cơ đốt trong khác biệt ra sao?
Xa lộ - Ngày đăng : 10:20, 21/08/2023
Nếu bạn đang cân nhắc chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) sang xe điện (EV) thì một yếu tố quan trọng cần xem xét đến chính là dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa.
Để giải quyết vấn đề này, hãy cùng xem xét tới sự khác biệt, điểm tương đồng và chi phí bảo dưỡng của xe EV với xe ICE.
Sự khác biệt giữa bảo dưỡng xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong
Động cơ của xe chạy xăng dầu truyền thông được cấu tạo từ nhiều bộ phận phức tạp như pít-tông, tay biên, trục cam, trục khuỷu, bugi phải đồng bộ để đốt cháy nhiên liệu và đẩy xe đi.
Đó là lý do tại sao xe chạy bằng xăng và dầu diesel tạo ra tiếng ồn và rung khi khởi động động cơ, một kết quả của việc tất cả các bộ phận này (và nhiều bộ phận khác) chuyển động ở tốc độ rất cao.
Trong khi đó, một chiếc xe điện không sử dụng động cơ đốt cháy nhiên liệu theo cách của một chiếc xe chạy xăng dầu. Thay vào đó, nó sử dụng động cơ điện chạy bằng pin để làm quay bánh xe.
Càng ít bộ phận chuyển động trong động cơ điện có nghĩa là xe EV dễ bảo trì hơn xe ICE. Bạn không phải lo lắng về việc thay thế bộ lọc dầu hộp số, bugi, bộ lọc nhiên liệu hoặc dầu khi lái xe điện.
Với xe ICE, người dùng cần phải thay dây đai cam và tinh chỉnh động cơ sau một thời gian sử dụng, điều này không áp dụng cho xe EV. Khi nói đến các bộ phận cần bảo dưỡng trong xe điện, điều đó phụ thuộc vào tình trạng xe và khuyến nghị của nhà sản xuất.
Chẳng hạn, nếu đang lái xe Tesla, người dùng nên thay bộ lọc carbon, bộ lọc HEPA và túi hút ẩm điều hòa không khí sau 3 năm. Còn với mẫu xe bán tải chạy điện Ford F-150 Lightning, nhà sản xuất khuyến cáo nên thay dầu phanh sau 3 năm và bộ lọc gió điều hòa sau 32.000 km.
Ngoài ra, hãng còn đưa ra yêu cầu nên thay dầu hộp số sau 250.000 km và chất làm mát pin sau 320.000 km. Điều này cũng được Tesla và hầu hết các nhà sản xuất xe điện khác áp dụng.
Cuối cùng, cả xe EV và xe ICE đều sử dụng cách thức làm mát bằng chất lỏng. Chỉ có điều nước làm mát trên xe điện chủ yếu được sử dụng để tản nhiệt cho pin, do đó người dùng không cần phải thay nước làm mát này sau 3-6 năm như đối với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Trên thực tế, người dùng có thể không ban giờ cần phải thay thế nước làm mát trong suốt vòng đời của xe khi mới đây Tesla đã tuyên bố như vậy dành cho mẫu Model Y.
Sự giống nhau giữa bảo dưỡng xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong
Mặc dù xe EV và xe ICE được thiết kế khác nhau nhưng cả hai hầu như giống nhau khi đều phải bảo dưỡng bất cứ thứ gì không liên quan đến hệ truyền động.
Giống như xe chạy xăng dầu, xe điện cũng cần phải đảo lốp sau 16.000 km hoặc mỗi năm một lần. Ngoài ra, xe điện cũng cần bảo dưỡng hệ thống phanh, thay lọc gió điều hòa, hệ thống làm mát, hệ thống treo, cơ cấu lái, đầu rô tuyn, khớp cầu.
Ngoài ra, xe điện và xe chạy xăng dầu đều được chế tạo với hộp số để truyền lực tới các bánh xe, điều đó có nghĩa là người dùng sẽ cần thay dầu hộp số.
Nhưng vì hầu như hộp số của xe điện không có nhiều cấp nên xe có thể chạy lâu hơn mới cần phải thay dầu hộp số. Tuy nhiên, người dùng vẫn phải thay lốp và ắc quy 12V trên cả 2 xe sau một vài năm sử dụng.
Chi phí bảo dưỡng xe điện rẻ hơn xe sử dụng động cơ đốt
Theo một nghiên cứu từ Consumer Reports, chi phí trung bình để bảo dưỡng xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào khoảng 9.200 USD (khoảng 220 triệu đồng) trong suốt vòng đời xe (tương ứng 320.000 km).
Xe điện có chi phí bảo dưỡng rẻ hơn đáng kể với chi phí trọn đời trung bình khoảng 4.600 USD (khoảng 110 triệu đồng). Nói một cách khác, người dùng có thể tiết kiệm chi phí bảo dưỡng lên tới 50% nếu chuyển từ xe chạy xăng dầu sang xe điện.
Một ưu điểm khác của việc sử dụng xe điện là người dùng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho nhiên liệu hơn. Cũng theo Consumer Reports, chi phí để sạc pin xe điện tại nhà chỉ khoảng 600 USD (khoảng 14 triệu đồng) mỗi năm.
Với một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong, chi phí nhiên liệu hàng năm sẽ khoảng 2.700 USD (67 triệu đồng). Nhưng báo cáo cũng chỉ ra, người dùng sẽ tốn nhiều tiền hơn khi sạc pin cho xe điện tại các trạm sạc nhanh.
Hệ thống phanh của xe điện sử dụng phanh tái tạo năng lượng nên đĩa phanh ít bị mòn hơn, còn xe chạy xăng dầu sẽ phải chú ý nhiều hơn đến hệ thống này. Thường sau khoảng 40.000-80.000 km, hãng sẽ khuyến nghị nên thay thế má và đĩa phanh.
Bù lại, xe điện sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến hệ thống treo do có trọng lượng lớn hơn. Bên cạnh đó, lốp dành cho xe điện có xu hướng mòn nhanh hơn do vừa phải gánh trọng lượng xe vừa phải đáp ứng khả năng tăng tốc nhanh của xe điện.
Các mẫu xe điện hầu hết đều được trang bị bộ lốp kích thước lớn và là lốp chuyên dụng dành cho xe điện nên chi phí thay thế lốp xe điện cũng sẽ cao hơn so với lốp cho xe chạy xăng dầu ở cùng phân khúc.
...nhưng chi phí sửa chữa cho xe điện thì ngược lại
Như đã đề cập ở trên, xe điện cho chu kỳ bảo dưỡng dài hơn và chi phí để bảo dưỡng, sạc điện cũng rẻ hơn so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong. Nhưng chi phí sữa chữa thì ngược lại, nó khá đắt đỏ, đặc biệt là khi thay thế pin.
Nhiều lúc không phải pin hỏng mới phải thay mà tình trạng chai pin ảnh hưởng đến tầm hoạt động cũng khiến nhiều chủ xe quyết định thay mới, dù điều này không phải diễn ra phổ biến.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô điện hiện đang cung cấp gói bảo hành pin từ là 8-10 năm hoặc 150.000 km, cũng có thể là không giới hạn số km.
Ví dụ với xe Tesla, để thay thế một mô-đun pin sẽ có chi phí từ 5.000-7.000 USD (120-167 triệu đồng). Một số xe điện khác thậm chí có chi phí thay pin cao gấp nhiều lần do phụ thuộc vào dung lượng pin, từ 15.000-20.000 USD (357-475 triệu đồng).
Ngoài ra, chi phi bảo hiểm của xe điện lại đắt hơn. Theo một nghiên cứu từ CCC Intelligent Solutions, yêu cầu bồi thường bảo hiểm sự cố liên quan đến xe điện hạng sang bị hư hỏng phần đầu có chi phí sửa chữa trung bình là 4.000 USD (95 triệu đồng), con số này cao hơn khoảng 27% so với xe chạy xăng tương đương.
Đối với những chiếc xe điện ở phân khúc SUV hạng sang cỡ trung, mức trung bình cho những yêu cầu bồi thường là 8.000 USD (190 triệu đồng) cho chi phí sửa chữa, cao hơn 53% so với xe chạy xăng dầu cùng phân khúc.
Điều đó chủ yếu là do xe điện có nhiều thiết bị công nghệ cao nên hiện tại vẫn chưa có nhiều kỹ thuật viên và trung tâm có đủ khả năng sửa chữa xe điện. Việc đầu tư trang thiết bị sửa chữa cho xe điện cũng yêu cầu cao so với xe chạy bằng xăng dầu và chi phí thiết bị không hề rẻ.
Có thể kết luận rằng mỗi chiếc xe điện hay xe sử dụng động cơ đốt trong đều có sự khác nhau đáng kể. Điều quan trọng là người dùng phải thực hiện theo đúng khuyến nghị của nhà sản xuất để tránh trở thành nạn nhân của bất kỳ quan niệm sai lầm nào.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!