Nhóm Bông hồng đen lấy mẫu máu học sinh xét nghiệm HIV có đúng Luật?
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:00, 20/08/2023
Tự xét nghiệm nhanh không có nguy cơ lây nhiễm HIV
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động chiều 20.8, bác sĩ Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Cục đã nắm được thông tin về vụ việc nhóm Bông hồng đen tiến hành lấy máu xét nghiệm các học sinh ở Hải Phòng và có có công văn yêu cầu báo cáo cụ thể vụ việc.
Chia sẻ thông tin về vụ việc này, Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn cho biết: Nhóm Bông hồng đen là tổ chức hoạt động từ lâu trong các Dự án của Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS. Vì vậy, việc nhóm này tổ chức tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng được thực hiện theo các nguồn của Dự án phòng chống HIV/AIDS, có địa bàn hoạt động tại Đồ Sơn (Hải Phòng).
Nếu học sinh tự nguyện đến làm xét nghiệm, nghe tư vấn về phòng chống HIV trong cộng đồng thì là một hoạt động tốt. "Tuy nhiên, vẫn cần làm rõ nhóm này có đầy đủ giấy tờ không, dự án đã được cấp phép ra sao?"- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, thực chất đây là tự xét nghiệm HIV bằng bộ test nhanh (không phải lấy máu xét nghiệm HIV bằng kim tiêm tại các cơ sở y tế) thì không quy định đối tượng nào mới được lấy máu xét nghiệm.
Cụ thể, việc lấy máu xét nghiệm sẽ được thực hiện tại ngón tay, có bộ test xét nghiệm, có đầu kim rất nhỏ bấm vào đầu ngón tay để xét nghiệm, giống như xét nghiệm tiểu đường vậy. Vì vậy, nhóm cộng đồng hoàn toàn có thể thực hiện được.
"Bộ test nhanh này chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất. Đầu kim của bộ test nhanh này sau khi sử dụng sẽ tụt vào trong, chỉ sử dụng được một lần duy nhất, không có nguy cơ lây nhiễm gì. Kể cả những người nhiễm HIV mà tiến hành xét nghiệm nhanh cho người khác thì cũng không vấn đề gì"- ông Sơn khẳng định.
Độ tuổi nào được quyền tự nguyện tham gia xét nghiệm HIV?
Về vấn đề nhóm Bông hồng đen chi trả 100.000 đồng cho một học sinh đến xét nghiệm HIV, trả 25.000 đồng nếu giới thiệu được những người khác đến làm xét nghiệm, ông Sơn cho rằng việc này không mới.
Trong hoạt động của các Dự án phòng chống HIV/AIDS, nếu mời những đối tượng có nguy cơ đến tham gia phỏng vấn, tự làm xét nghiệm HIV, tư vấn và có trả phí, có phí giới thiệu khi giới thiệu người khác đến để tự xét nghiệm như vậy, theo dây chuyền và có kiểm soát.
"Việc làm xét nghiệm này hoàn toàn có lợi cho cộng đồng, tuyên truyền để người dân, các đối tượng như học sinh, sinh viên hiểu được về phòng chống HIV trong cộng đồng, để tự bảo vệ bản thân" - ông Sơn nói.
Theo Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi năm 2020, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định cũ."Vì vậy, nếu nhóm tiến hành xét nghiệm HIV cho các đối tượng dưới 15 tuổi thì bắt buộc phải có sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ. Còn đối tượng từ 15 tuổi trở lên, tự nguyện làm xét nghiệm thì không cần có sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ"- ông Sơn nhấn mạnh.
Theo quyết định ban hành hướng dẫn quốc gia xét nghiệm HIV do Bộ Y tế ban hành năm 2018 quy định xét nghiệm giám sát dịch tễ HIV/AIDS xác định tỉ lệ nhiễm HIV trong một số nhóm quần thể, theo thời gian và địa điểm để theo dõi sự phân bố, chiều hướng phát triển của dịch nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, dự phòng, khống chế và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng có quy định rõ việc xét nghiệm do những nhân viên không làm trong phòng xét nghiệm HIV thực hiện.
Đây là hình thức xét nghiệm được thực hiện bởi nhân viên cộng đồng/y tế thôn bản/nhân viên y tế không được đào tạo chuyên ngành về xét nghiệm và không làm trong cơ sở xét nghiệm HIV nhưng đã được tập huấn về xét nghiệm HIV.
Như vậy đối với những nhân viên cộng đồng không làm trong cơ sở y tế, phòng xét nghiệm khi lấy mẫu xét nghiệm HIV phải được tập huấn về xét nghiệm HIV. Nhân viên cộng đồng cần xuất trình các giấy tờ liên quan khi được yêu cầu.
Cũng theo quy định này, đối với lấy mẫu xét nghiệm HIV, người lấy mẫu bắt buộc phải thực hiện đầy đủ tư vấn mục đích lấy mẫu.
Giải thích rõ mục đích lấy mẫu, được sự đồng ý của người được lấy mẫu, đảm bảo lấy mẫu đủ an toàn, riêng tư.Sau khi có kết quả, cần thông báo lại cho người được lấy mẫu. Nếu kết quả xét nghiệm có phản ứng nghi ngờ nhiễm bệnh cần tư vấn người được lấy mẫu đến cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định HIV theo quy định.