Điểm tin công nghệ 21/8: Apple mất 500 triệu USD vì vụ kiện cáo buộc công ty cố tình làm giảm hiệu năng những chiếc iPhone cũ
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 21/08/2023
- Apple mất 500 triệu USD vì vụ kiện cáo buộc công ty cố tình làm giảm hiệu năng những chiếc iPhone cũ
Người dùng Apple cuối cùng cũng đã nhận được khoản thanh toán 65 USD sau một vụ kiện tập thể năm 2018, cáo buộc Apple cố tình làm chậm iPhone trong nỗ lực thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp lên điện thoại mới hơn.
Apple đã đồng ý trả tới 500 triệu USD để giải quyết vụ kiện vào tháng 3 năm 2020. Vụ kiện đã kéo dài 5 năm với khoảng 3 triệu khiếu nại đã được đưa ra kể từ khi vụ kiện tập thể được đệ trình vào năm 2018. Apple thừa nhận đã làm chậm phần mềm iOS trên iPhone cũ hơn vào năm 2017.
Cotchett, Pitre & McCarthy, LLP, công ty đại diện cho những người gửi đơn khiếu nại, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng vụ kiện vẫn sẽ được tiếp tục. Các khiếu nại bao gồm các hành vi vi phạm Đạo luật Lừa đảo và Lạm dụng máy tính của Liên bang, Đạo luật Lừa đảo và Truy cập Dữ liệu máy tính của California, Luật Cạnh tranh không lành mạnh của California và Xâm phạm Chattels.
Apple đã lập luận trong một hồ sơ tòa án năm 2019 rằng pin lithium-ion xuống cấp theo thời gian và trở nên kém hiệu quả hơn. Nhưng công ty đã không thông báo cho người dùng về việc các bản cập nhật cho iOS có thể khiến điện thoại của họ chậm đi. Điều này chỉ được chú ý khi nhiều người dùng cho biết iPhone của họ bị sập nguồn ngay cả khi máy vẫn còn tới 30% pin.
Mark C. Molumphy, một đối tác tại Cotchett, Pitre & McCarthy, LLP, cho biết: “Chúng tôi vô cùng tự hào rằng thỏa thuận này đã được phê duyệt và theo lệnh của tòa phúc thẩm khu vực 9, cuối cùng chúng tôi cũng có thể cung cấp các khoản thanh toán bằng tiền mặt ngay lập tức cho các khách hàng của Apple bị ảnh hưởng”.
Apple đã phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ kiện nhưng đồng ý chi 310 triệu đến 500 triệu USD để trả cho những người yêu cầu bồi thường. Những chiếc iPhone bị ảnh hưởng bao gồm iPhone 6, 6Plus, 6s Plus và SE chạy trên hệ thống iOS 10 2.1 trước ngày 21 tháng 12 năm 2017. Các thiết bị khác bao gồm iPhone 7 và 7 Plus chạy trên iOS 11.2 trở lên.
Tyson C. Redenbarger, một đối tác tại Cotchett, Pitre & McCarthy đã bình luận về trường hợp này trong thông cáo báo chí rằng: “Đây là một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến quyền riêng tư, sản phẩm tiêu dùng và luật xâm nhập máy tính. Vụ kiện đem đến sự công bằng cho người tiêu dùng Apple và khách hàng Apple trong tương lai sẽ nhận được thông báo đầy đủ về các bản cập nhật iOS.
Sự che giấu của Apple đã thúc đẩy một cuộc điều tra ở hơn 30 tiểu bang bao gồm Arizona, Arkansas và Indiana vào năm 2020. “Các công ty công nghệ lớn phải ngừng thao túng người tiêu dùng và nói cho họ biết toàn bộ sự thật về các hoạt động và sản phẩm của họ”, Attorney General Mark Brnovich cho biết trong một thông cáo báo chí. “Tôi cam kết buộc các công ty công nghệ khổng lồ này phải chịu trách nhiệm khi họ che giấu thông tin quan trọng với người dùng.”
- Các nhà phát triển ứng dụng của Trung Quốc gặp khó trước những quy tắc mới của chính quyền
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin yêu cầu tất cả các nhà cung cấp ứng dụng di động gửi thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh của họ cho chính phủ, nếu không sẽ bị trừng phạt mà không giải thích gì thêm.
Phán quyết mới nhất từ Bắc Kinh yêu cầu tất cả các nhà cung cấp ứng dụng di động gửi thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh của họ cho chính phủ đã làm dấy lên mối lo ngại đối với một số nhà phát triển phần mềm độc lập của Trung Quốc, những người cho rằng động thái này sẽ kìm hãm sự đổi mới trong nước và cản trở khả năng tiếp cận những tiến bộ được tạo ra ở nước ngoài.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) vào thứ Ba tuần trước cho biết trong một thông báo rằng việc không gửi thông tin cụ thể trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau sẽ bị trừng phạt mà không giải thích chi tiết.
“Đối với các nhà phát triển đã phát hành ứng dụng, đây là một trở ngại có thể làm tăng chi phí của họ”, Li An, người điều hành một studio phát triển ứng dụng gồm 5 người ở đại lục, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm. “Đối với các công ty nhỏ vẫn chưa nhất quán về mặt ý tưởng sáng tạo, quy trình nộp đơn sẽ là một rào cản lớn về mặt thời gian và chi phí”.
MIIT chỉ ra rằng quy định mới nhằm ngăn chặn các trò gian lận trực tuyến tràn lan, cho biết các nhà khai thác tất cả các ứng dụng – bao gồm các chương trình nhỏ được phân phối qua cái gọi là siêu ứng dụng như WeChat của Tencent Holdings và Alipay của Ant Group – đều phải nộp những thông tin bao gồm thông tin chi tiết về ứng dụng và nhà cung cấp ứng dụng.
- Apple có thể sẽ điều chỉnh mức ưu tiên của thị trường Việt Nam
Apple đang cân nhắc nâng hạng đối với thị trường Việt Nam điều này đồng nghĩa với việc iPhone thế hệ mới sẽ được bán sớm hơn mọi năm.
Theo đại diện một hệ thống bán lẻ, Apple đang xem xét điều chỉnh mức ưu tiên của thị trường Việt Nam từ hạng 3 - 4 lên hạng hai. "Quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, nhưng là tín hiệu đáng chú ý, cho thấy Apple đang quan tâm hơn đến Việt Nam và iPhone 15 có thể được bán sớm vài tuần so với mọi năm", người này nói.
Mức ưu tiên hạng hai có nghĩa là Việt Nam có thể nằm trong danh sách thị trường nhận iPhone 15 đợt hai. Năm trước, iPhone 14 được ra mắt vào ngày 7/9 và bắt đầu bán ra từ ngày 16/9 tại các thị trường có cửa hàng Apple Store. Đợt bán ra thứ hai bắt đầu từ ngày 23/9 tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, sản phẩm chính hãng tại Việt Nam được phân phối từ ngày 14/10, trong đợt bán ra thứ ba.
So sánh với một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, thị trường Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 1) và Thái Lan (hạng 1).
Trong cuộc họp công bố kết quả tài chính của Apple diễn ra vào cuối tháng 7/2022, CEO Tim Cook cho biết Việt Nam là một trong những thị trường có mức độ tăng trưởng tốt nhất của công ty trên toàn cầu.
"Ở giai đoạn quý II/2022, chúng tôi đã lập kỷ lục về doanh thu đạt mức hai con số tại các thị trường mới nổi như Brazil, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ", Tim Cook cho biết tại cuộc họp.
Vài năm trở lại đây, Apple đang ngày càng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường Việt Nam. Công ty đã liên tục hợp tác với các đại lý bán lẻ để mở cửa hàng Mono Store.
- Google cập nhật Chrome, chuẩn bị cho "ngày tận thế bởi lượng tử"
Các máy tính lượng tử trong tương lai có thể phá vỡ mọi lớp bảo mật và đột nhập vào bất kỳ hệ thống dữ liệu nào. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “ngày tận thế bởi lượng tử”.
Các chuyên gia đã cảnh báo trong nhiều năm rằng sự phát triển của máy tính lượng tử có thể làm suy yếu công nghệ mã hóa hiện đang bảo mật mọi thứ từ tin nhắn đến thông tin ngân hàng của chúng ta.
Theo các chuyên gia, khả năng giải quyết vấn đề nhanh gọn của điện toán lượng tử có thể khiến các hệ thống tính toán hiện tại trở nên lỗi thời. Đây có thể là một điểm tích cực đối với các ứng dụng như nghiên cứu thuốc và điện toán lượng tử, song chúng có thể là thảm họa đối với công nghệ bảo mật.
Phần lớn công nghệ bảo mật hiện tại đều phụ thuộc vào các thuật toán đủ khó để máy tính của chúng ta không thể xử lý được. Tuy nhiên, các máy tính lượng tử trong tương lai có thể giải quyết những vấn đề đó trong vài giây và đột nhập vào bất kỳ hệ thống dữ liệu nào. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “ngày tận thế bởi lượng tử”.
Hiện tất cả hệ thống an ninh mạng, từ tin nhắn mạng xã hội, chuyển khoản ngân hàng đến chữ ký số đều dựa trên RSA - thuật toán mã hóa bất đối xứng được sử dụng để truyền dữ liệu một cách an toàn. Với RSA, máy tính thông thường có thể cần tới hàng tỉ năm để bẻ khóa, nhưng máy tính lượng tử có thể chỉ vài giờ.
Giờ đây, Google đã chuẩn bị những bước đầu tiên trong mục tiêu ngăn máy tính lượng tử giải mã mật khẩu. Theo đó, công nghệ mới của gã khổng lồ này gồm một đoạn mật mã mới có khả năng chống lại những nỗ lực hack bằng máy tính lượng tử trong tương lai.
Theo Google, công nghệ mới của hãng có tên X25519Kyber768. Tên gọi này là sự kết hợp của hai thuật toán mã hóa: X25519 chuyên sử dụng để bảo vệ mật khẩu trước các công nghệ giải mã hiện tại, và Kyber768 là thuật toán ngăn nguy cơ giải mã bằng máy tính lượng tử.
Các bản cập nhật là một phần của công việc rộng lớn hơn của Google nhằm “chuẩn bị trình duyệt web sử dụng mật mã kháng lượng tử”.