Cô gái bị vẹo cột sống vì thói quen ngủ gục khi học bài

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:34, 19/08/2023

TP Hồ Chí Minh – Cô gái bị vẹo cột sống mà không hay biết. Tình trạng vẹo trở nên rõ ràng hơn khi cột sống bị vẹo có thể nhận thấy bằng mắt thường và cô gái buộc phải đến bệnh viện để kiểm tra.
Cô gái bị vẹo cột sống vì thói quen ngủ gục khi học bài

Bệnh nhân M.A (20 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đã nhập viện với tình trạng vẹo cột sống, gù lưng, và khung chậu bị xoay trước, cùng với nhiều triệu chứng bệnh lý nặng. Theo chia sẻ của M.A, trong quá trình học, cô thường xuyên cảm thấy buồn ngủ và ngủ gục trên bàn. Thói quen này không chỉ diễn ra vài lần mà đã kéo dài một thời gian dài.

"Càng sau này, khi bố mẹ và nhiều người nhìn thấy tôi có dấu hiệu lưng cong, gù lưng... tôi mới quyết định đi khám. Sau khi chụp X-Quang, bác sĩ thông báo rằng, tôi bị vẹo cột sống và gù lưng, khung chậu nghiêng, xoay trước cần điều trị càng sớm càng tốt", bệnh nhân kể.

Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp tại Bệnh viện 1A TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân không chỉ gặp phải những vấn đề bệnh lý đã đề cập, mà còn bị tình trạng góc khung chậu xoay trước lên đến 42 độ (thông thường thì từ 25-32 độ). Đối với những bệnh nhân qua lứa tuổi dậy thì, biến dạng vẹo cột sống thường có hiệu quả thấp hơn. May mắn, trong trường hợp của bệnh nhân này, mặc dù có vẹo nhưng các đốt sống vẫn giữ được sự đối xứng tương đối, giúp việc điều trị hiệu chỉnh cơ xương khớp đạt hiệu quả tốt.

Sau 6 buổi điều trị, tình trạng đau nhức của bệnh nhân đã giảm đáng kể. Trước đây, khi phải ngồi lâu, bệnh nhân thường phải chịu đựng đau đớn, nhưng sau quá trình điều trị, tình trạng này đã được cải thiện.

Bác sĩ Trịnh Quang Anh cũng chia sẻ rằng, thường có 4 nguyên nhân chính gây ra vẹo cột sống. Nguyên nhân đầu tiên là bẩm sinh, chiếm tỉ lệ 1/10.000 trường hợp, thường xảy ra khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Nguyên nhân thứ hai là vô căn, thường xảy ra ở tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân thứ phát, có thể sau khi mắc các bệnh u bướu ở vùng cột sống. Cuối cùng là nguyên nhân do loãng xương ở người lớn tuổi, dẫn đến việc xẹp đốt sống... cũng góp phần gây ra biến dạng.

"Cấu tạo cột sống trên cơ thể là đối xứng, vì vậy, khi vẹo cột sống xảy ra, ta có thể nhận thấy dấu hiệu như lệch vai, lồng ngực lệch sang một bên nào đó, phần hông không cân đối... tạo nên tình trạng bất đối xứng trên cơ thể. Thậm chí, kết quả kiểm tra lâm sàng cũng thể hiện việc các đốt sống không nằm trên một đường thẳng, đôi chân có chiều dài không đều, cách đi bất thường cũng là các dấu hiệu của vẹo cột sống," bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh.

Vẹo cột sống không chỉ gây hại về mặt thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần. Về mặt thể chất, chúng ta đã biết rằng, sự biến dạng hình thể dẫn đến hạn chế vận động, hệ hô hấp, tim mạch. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể bị trầm cảm, thậm chí cả ba mẹ cũng có thể trở nên mặc cảm vì con mình mắc vẹo cột sống và phải sống với hậu quả suốt đời. Đối với vẹo cột sống, việc phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt

NGUYỄN LY