Những loại vỏ trái cây bị vứt đi bỗng thành hàng giá trị

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:38, 19/08/2023

Tại Việt Nam, nhiều loại vỏ trái cây thường bị coi là phế phẩm và bị bỏ đi như vỏ măng cụt, vỏ ca cao, vỏ trấu,... Ít ai ngờ, những loại vỏ này có thể được dùng để chữa bệnh hay chế biến thành những sản phẩm hữu ích.

Vỏ măng cụt giá gần 100.000 đồng/kg

Măng cụt là loại quả được bán rất nhiều trên thị trường, được nhiều người ưa thích. Nhưng mọi người khi ăn thường vứt vỏ đi vì nghĩ nó không có tác dụng gì. Thực ra, vỏ măng cụt có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Chị Trần Thức (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ trên Nông Thôn Việt, năm ngoái, chị phơi được một ít vỏ măng cụt. Tuần trước, em trai của chị bị đau bụng tiêu chảy, chị nhớ ra bài thuốc từng đọc được trên mạng là lấy vỏ măng cụt phơi khô để nấu nước uống. “Tôi cũng uống thử và thấy vị hơi chát, không dễ uống lắm nhưng chữa tiêu chảy lại rất hiệu quả", chị Thức cho biết.

Theo nhiều nghiên cứu, vỏ măng cụt có nhiều công dụng, có thể áp dụng vào việc chữa tiêu chảy, kiết lỵ, hôi miệng, kinh nguyệt không đều, tàn nhang, giảm cholesterol trong máu… Nhưng với mỗi bệnh, người sử dụng sẽ cần kết hợp hoặc chế biến một cách khác nhau. Mọi người chỉ nên sử dụng phần vỏ đã được phơi khô để chữa bệnh, không nên sử dụng vỏ tươi.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để được tư vấn phân lượng, cách dùng cụ thể phù hợp với cơ địa.

Vỏ măng cụt có thể chữa một số bệnh. (Ảnh: Nông Thôn Việt)

Trên chợ mạng, người tiêu dùng gõ cụm từ “vỏ măng cụt” sẽ tìm thấy một vài bài đăng bán vỏ măng cụt với giá tới 95.000 đồng/kg.

Vỏ ca cao được dùng sản xuất rượu

Tại Việt Nam, hầu hết vùng trồng ca cao sau khi thu hoạch, lấy hạt để chế biến thì chỉ một phần nhỏ vỏ được đem phơi khô để đốt. Phần còn lại (cả vỏ và thịt trái ca cao) bị đổ xuống sông hoặc vứt trở lại gốc cây cho phân hủy tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều người không ngờ, vỏ trái ca cao tưởng như bỏ đi lại được dùng để sản xuất rượu vang.

Theo Báo Dân Việt, từ năm 2020, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã chế biến vỏ trái ca cao ra chất pectin, một loại chất xơ sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, công ty này cũng có 2 dòng sản phẩm rượu được chế biến từ vỏ và từ thịt trái ca cao, được thị trường ưa chuộng.

Biến vỏ trấu thành hàng xuất khẩu

Từ một thứ tưởng như bỏ đi, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long mỗi khi vào mùa xay xát lúa, vỏ trấu (vỏ của hạt lúa) bỗng trở thành mặt hàng “hot” khi được ép thành củi trấu.

Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp và An Giang đã mày mò, chế biến vỏ trấu thành củi để xuất khẩu.

Một công ty ở Đồng Tháp đã ép vỏ trấu thành viên và từng được bán với giá trên 1.000 đồng/kg. Củi trấu được nhiều quốc gia ưa chuộng bởi khi đốt không gây ô nhiễm môi trường.

Củi bằng vỏ trấu ép đang ngày được thị trường, nhất là các lò đốt công nghiệp ưa chuộng nhờ ưu điểm giá thành rẻ và thân thiện với môi trường hơn than tổ ong. Than làm từ vỏ trấu ép không sinh ra mùi, rất ít khói và khói không làm cay mắt, không gây ngạt cho người sử dụng.

Sản xuất củi trấu ở An Giang (Ảnh: Thanh Niên)

Vỏ thanh long làm màng bọc thực phẩm

TS. Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế TP.HCM, chia biết trên Báo Dân Việt, phần lớn trái thanh long lâu nay xuất khẩu thô. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhập trái thanh long về rồi chế biến được rất nhiều thứ khác. Họ cũng bán giá cao gấp 5-7 lần so với việc bán thô của Việt Nam.

Có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến thanh long thành rượu vang, nước ép, thanh long sấy khô... Những phụ phẩm như vỏ, hạt thanh long chính là nguồn nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm khác, như chiết xuất tinh dầu, nước ép, thực phẩm chức năng...

Liên quan đến chế phẩm từ vỏ thanh long, Khoa Học và Đời Sống thông tin, TS. Trương Thị Cẩm Trang, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tìm cách để tạo màng pectin sinh học sử dụng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long. Trong vỏ thanh long chứa lượng lớn pectin (chiếm 19-33%) cao hơn vỏ cam, quýt. Để thu triệt để lượng pectin sau tách chiết, nhóm cắt nhỏ từng vỏ thanh long và sấy khô trong 36 giờ ở mức nhiệt 60 độ C.

Nhóm nghiên cứu cho biết màng pectin từ vỏ thanh long không thấm nước, không bị oxy hóa nhanh. Sau 7 ngày chôn trong môi trường đất, màng pectin có khả năng phân hủy tới 62,5%.