Vì sao Pháp và Mỹ khác biệt quan điểm về khủng hoảng ở Niger?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 14:39, 19/08/2023

Pháp sẵn sàng ủng hộ việc can thiệp quân sự của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) vào cuộc khủng hoảng ở Niger. Kịch bản này bị Mỹ bác bỏ và kêu gọi một giải pháp ngoại giao. Những khác biệt đó có thể được giải thích bằng những lợi ích riêng của hai nước trong khu vực.

Những “khác biệt” nảy sinh sau cuộc binh biến

Theo hãng tin Reuters, sáng 27-7 (giờ Hà Nội), một nhóm binh sĩ xuất hiện trên truyền hình Niger cho biết Tổng thống nước này Mohamed Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong dinh tổng thống. Đọc từ một tuyên bố, nhóm binh sĩ trên cho hay: "Biên giới của đất nước đã bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban bố".

Ngày 28-7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của Niger trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Đây là lần thứ tư kể từ khi giành được độc lập năm 1960, Niger lại chìm đắm trong các cuộc tranh giành quyền lực và đảo chính.

Lực lượng cảnh sát Niger triển khai ở thủ đô Niamey nhằm duy trì trật tự sau cuộc binh biến ngày 26-7. Ảnh: AFP

Ngay lập tức, Pháp và Mỹ nhận ra rằng: Với sự sụp đổ của Tổng thống Bazoum, phương Tây đã mất một đồng minh chiến lược ở Niger. Ông Bazoum được bầu làm Tổng thống Niger vào năm 2021, lên nắm quyền vào thời điểm quốc gia này đang chìm trong nghèo đói. Ông Bazoum được xem là người có quan hệ mật thiết với cả Washington và Paris.

Sau sự kiện đảo chính quân sự, bắt đầu xuất hiện những khác biệt giữa hai đối tác chính của chính phủ vừa bị phế truất. Pháp và Mỹ có những quan điểm rất khác nhau về phản ứng trước một chính quyền đang cố giành lại quyền lực.

Sự chia rẽ giữa các nhà ngoại giao Pháp và Mỹ càng gia tăng sau cuộc họp bất thường ngày 10-8 của ECOWAS ở Abuja về tình hình ở Niger. Nếu đàm phán được xem là ưu tiên hàng đầu, thì cuộc họp cũng đã ghi nhận lực lượng dự phòng của tổ chức khu vực trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger. Trong nghị quyết về cuộc đảo chính ở Niger được Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray đọc tại cuộc họp bất thường ngày hôm đó nhấn mạnh: “Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng kích hoạt ngay lập tức tất cả các bộ phận trong lực lượng dự phòng ECOWAS”, tuy nhiên cũng đồng thời nhấn mạnh “tiếp tục cam kết khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình”.

Pháp và Mỹ tán thành lập trường của các đồng minh Tây Phi, nhưng mỗi nước lại đồng ý theo cách riêng của họ. Trong khi Paris khẳng định "hoàn toàn ủng hộ mọi kết luận" của ECOWAS, kể cả những kết luận cấp tiến nhất, thì về phần mình, Washington khẳng định "ECOWAS quyết tâm tìm kiếm giải pháp để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình". Vào ngày 15-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thậm chí còn nói thêm rằng Mỹ vẫn "tập trung vào kênh ngoại giao để đạt được trật tự hiến pháp trở lại".

Mỹ và Pháp xuất hiện những quan điểm khác biệt khi tìm kiếm giải pháp cho cuộc đảo chính ở Niger. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 1-12-2022. Ảnh: AFP

Để chứng minh cho chiến lược do Washington dẫn đầu, tân Đại sứ Mỹ Kathleen FitzGibbon sẽ đến Niger và bắt đầu làm việc trong tuần tới, theo đó chấm dứt hơn một năm rưỡi Mỹ bỏ trống vị trí Đại sứ tại Niger. Nhiệm vụ của Đại sứ Kathleen FitzGibbon tại Niger là chỉ đạo công tác trong một thời điểm quan trọng, đồng thời để hỗ trợ cộng đồng người Mỹ và phối hợp các nỗ lực của Chính phủ Mỹ.

Việc bổ nhiệm bà Kathleen FitzGibbon làm tân Đại sứ Mỹ ở Niger diễn ra ngay sau chuyến thăm Niger của quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 7-8. Bà Victoria Nuland đã có cuộc đàm phán với Tướng Moussa Salaou Barmou-một trong những lãnh đạo chính quyền quân sự tại Niger. Tuy nhiên, những động thái trên của Washington không phản ánh sự thay đổi trong lập trường của Mỹ trong tình hình tại Niger mà là sự khẳng định rằng Mỹ tiếp tục duy trì ủng hộ giải pháp ngoại giao tôn trọng trật tự hiến pháp ở quốc gia châu Phi này.

Thách thức của quân đội phương Tây tại Niger

Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Đây là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara ở châu Phi.

Việc duy trì quan hệ ngoại giao với quân đội Niger dường như không nằm trong chương trình nghị sự của Pháp. Điều này có vẻ không tưởng bởi mức độ các cuộc tranh luận chống Pháp là nền tảng để lực lượng quân sự tiến hành đảo chính. Nhưng Pháp không có ý định từ bỏ mọi lợi ích của mình trong khu vực. Về mặt kinh tế, trong khi uranium của Niger vẫn chiếm một phần quan trọng trong nguồn cung cấp của Pháp.

Tuy nhiên không hẳn Paris phụ thuộc vào điều đó. Trên tất cả, Pháp không có ý định từ bỏ sự hiện diện quân sự của mình ở Niger. Một căn cứ không quân của Pháp vẫn đang hoạt động gần thủ đô Niamey, chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động do thám bằng máy bay không người lái của Pháp. Căn cứ này cũng là đồn trú một số máy bay chiến đấu và trực thăng của Pháp. Đồng thời, Pháp duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại Niger nhằm hỗ trợ quân đội nước sở tại trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel.

Mặc dù Pháp đã rút quân khỏi Mali vào tháng 8-2022 nhưng Paris từ chối hồi hương quân đội của mình khỏi Niger vào lúc này. Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng, lực lượng tiến hành đảo chính là bất hợp pháp, do đó họ không có quyền hủy bỏ một thỏa thuận đã ký giữa Paris và chính phủ của Mohamed Bazoum.

Về phần mình, Mỹ cũng có ý định duy trì hơn 1.000 binh sĩ hiện diện trên đất Niger. Người Mỹ cũng có một căn cứ chiến lược ở phía bắc Niger, từ đó máy bay không người lái quân sự của Mỹ có thể quan sát bao phủ một phần lớn Tây Phi.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thừa nhận cuộc đàm phán với chính quyền quân sự Niger rất khó khăn. Ảnh: Le Figaro

Điều gì biện minh cho sự thận trọng nhất định của Mỹ khi đối mặt với phản ứng về cuộc đảo chính ở Niger?.

"Luật của Mỹ cấm chính phủ cung cấp hỗ trợ an ninh cho chính quyền nước ngoài được lập lên từ một cuộc đảo chính. Do đó, hiện tại Mỹ vẫn chưa chính thức coi cuộc binh biến ở Niger là đảo chính”, ông Michael Shurkin, chuyên gia về chính sách an ninh ở Tây Phi, giải thích trên báo L'Express của Pháp.

Hiện nay, người đối thoại chính của Mỹ tại Niger là Tướng Moussa Salaou Barmou, Chánh văn phòng mới của chính quyền quân sự. “Một sĩ quan cấp cao được đào tạo… trên đất Mỹ và là đối tác đặc quyền trước đây trong các hoạt động quân sự của Mỹ ở Sahel”, tờ The Wall Street Journal nhấn mạnh.

Dù cuộc đàm phán với các tướng lĩnh Niger “rất khó khăn", đúng như lời thừa nhận của quyền Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland sau cuộc gặp hôm 7-8, thì nó vẫn cho thấy những nỗ lực ngoại giao mà Mỹ đã triển khai để đạt được một giải pháp có lợi cho họ.

Kết thúc ảnh hưởng của phương Tây ở vùng Sahel?

Cuộc đảo chính ở Niger rất có thể đánh dấu sự kết thúc một thập kỷ can thiệp quân sự của Pháp vào vùng Sahel, đáng chú ý là các chiến dịch Serval và sau đó là Barkhane từ năm 2013 đến năm 2022. Sau Mali và Burkina Faso, cuộc đảo chính ở Niger cho thấy thực tế, ba trong số năm quốc gia vùng Sahel (G5 Sahel, gồm: CH Chad, Burkina Faso, Mauritanie, Mali và Niger) hiện đang được lãnh đạo bởi các chế độ quân sự thù địch với phương Tây, đặc biệt là với Pháp. Nếu cơ quan hành pháp Pháp phụ thuộc rất nhiều vào ECOWAS để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, thì chỉ là vì tương lai sự hiện diện của quân đội Pháp ở Sahel.

Đối với Mỹ, rủi ro không lớn như vậy. Nếu Niger thể hiện sự quan tâm nhất định đến chính sách của Mỹ ở vùng Sahel, điều này cũng không biện minh cho việc Washington sẽ sa lầy vào một cuộc can thiệp quân sự không chắc chắn. Trong khi hiện nay Mỹ đang hướng cái nhìn về Thái Bình Dương nhiều hơn là về phía châu Phi. Ông Michael Shurkin nhận định có khả năng cao Mỹ sẽ đình chỉ hợp tác với Niger nếu chính quyền quân sự vẫn tồn tại.

Các tham mưu trưởng quân đội Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tham dự cuộc họp thảo luận tình hình ở Niger tại Accra, Ghana ngày 17-8. Ảnh: AFP

Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề chung đối với Pháp và Mỹ. Cuộc đảo chính hôm 26-7 ở Niger làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Các nhóm khủng bố như Boko Haram rất có thể lợi dụng tình hình bất ổn tại Niger để tấn công các nước láng giềng và tác động xấu đến nền hòa bình, sự an toàn và tự do trên thế giới. Mới đây, ngày 16-8, một cuộc tấn công khủng bố ở Đông Nam Niger khiến 17 người chết và hơn 20 người bị thương.

Ngoài ra, khoảng trống ngoại giao mà phương Tây để lại cũng có thể mang lại lợi ích cho Nga và lực lượng Wagner ở Niger như có thể đã làm ở Mali hoặc Burkina Faso.

PHƯƠNG LINH (theo Reuters, L’Express)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.