Thôn "không bản đồ địa chính" ở đất rừng Sóc Sơn: Giải quyết thế nào?
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:21, 19/08/2023
40 năm khai hoang nhưng đến nay chưa có sổ đỏ, 200 hộ dân ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) đang mong từng ngày được nhìn thấy nơi mình sống được chính quyền thừa nhận là đất ở hợp pháp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cuộc sống ổn định hơn.
Suốt nhiều năm qua, những người dân ở đây bị "mang tiếng" là xây dựng trái phép trên đất rừng, nhà không dám sửa, hạ tầng không dám đầu tư, trong khi nhiều người chính là những thế hệ đầu tiên mang cây lên trồng thành rừng ở mảnh đất này.
Với mong muốn lớn nhất là "cái gì của rừng thì trả cho rừng, còn của dân thì trả cho dân", người dân tại đây đã khiếu nại triền miên từ năm này qua năm khác. Nhưng đến nay, chính quyền vẫn chưa giải quyết được triệt để và thỏa đáng cho 200 hộ sinh sống ở thôn này.
Sẽ rà soát để bóc tách đất rừng và đất ở
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), cho biết thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn rà soát những hộ dân có hồ sơ chứng minh được là chủ đất từ trước năm 1993.
Sau khi có danh sách cụ thể, địa phương cùng đơn vị chuyên môn sẽ chuẩn bị hồ sơ, phối với sở ngành liên quan để bóc tách, cho người dân giữ lại phần đất ở theo đúng quy hoạch.
Theo ông Tuyên, khu vực thôn Minh Tân nằm trong quy hoạch đất rừng chồng lên đất ở. Do đó, không thể khẳng định tất cả hộ dân trong thôn đều thuộc diện sai phạm lấn chiếm đất rừng.
Hiện trạng khu vực bao quanh thôn Minh Tân, xã Minh Trí năm 2002 và năm 2022 (Ảnh: Google Earth).
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù đã ban hành kế hoạch từ tháng 2/2022 về việc rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của thành phố làm cơ sở tiến hành giao đất gắn với giao rừng, 7 huyện và thị xã Sơn Tây vẫn chưa thực hiện xong công tác này để cắm mốc ranh giới.
Trong hai tháng qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã có các văn bản gửi UBND các huyện, thị xã đề nghị khẩn trương thực hiện rà soát hiện trạng rừng, đo đạc và cắm mốc ranh giới 3 loại rừng trên địa bàn. Việc này nhằm đề xuất UBND thành phố điều chỉnh 3 loại đất rừng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.
Hiện, Sở NN&PTNT đang phối hợp để lập các quy hoạch liên quan, cập nhật vào quy hoạch chung Thủ đô. Trong số này có quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng.
Cùng với đó, UBND huyện Sóc Sơn đã được giao nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, nhằm tính toán và đưa ra khỏi bản đồ những nội dung không còn phù hợp với quy hoạch trước đây.
Căn cứ vào kết quả xác định hiện trạng và quy hoạch sau khi điều chỉnh, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp cùng đơn vị, cơ quan chuyên môn rà soát và phê duyệt đưa những khu dân cư được ra khỏi bản đồ quy hoạch rừng.
Về phía chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc xác nhận thông tin năm 1993, thôn Minh Tân không được đo vẽ bản đồ địa chính dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc quản lý, xử lý vi phạm về đất rừng.
Thời gian qua, UBND Hà Nội đã chỉ đạo huyện rà soát hiện trạng rừng, nhà dân và từ đó đề xuất để đưa vào quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch vùng của huyện Sóc Sơn. Với những khu vực dân cư không nằm trong quy hoạch, chính quyền phải đền bù, giải phóng mặt bằng và di dời người dân.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trịnh Văn Dũng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định sự việc xảy ra phần lớn thuộc về các cơ quan quản lý tại địa phương.
Bởi lẽ, chức năng lập bản đồ địa chính thuộc về chính quyền địa phương các cấp, không phải của người dân. Khi tiến hành Quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã không về rà soát, kiểm tra hiện trạng, chỉ phê duyệt trên hồ sơ giấy tờ do chính quyền địa phương gửi lên.
Theo ông Dũng, UBND cấp xã là cấp gần dân nhất chắc chắn biết địa bàn có bao nhiêu hộ dân đang sinh sống, canh tác ở đâu và nguồn gốc những thửa đất như thế nào.
Tuy nhiên khi có ý kiến về việc Quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008, xã đã không hoặc chưa báo kịp thời về thực trạng quản lý đất đai của địa phương. Từ đó không đưa ra đề xuất để đưa những hộ dân đã sinh sống ổn định từ trước năm 1993 ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ.
Luật sư Dũng cho rằng những bất cập trên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất tại xã Minh Trí nói chung và thôn Minh Tân nói riêng.
Về hướng giải quyết, Luật sư Trịnh Văn Dũng cho rằng chính quyền xã Minh Trí và UBND huyện Sóc Sơn cần phối hợp rà soát các trường hợp hộ dân đi xây dựng kinh tế mới trên địa bàn thôn Minh Tân từ những năm 1985 tới nay.
Trong đó, cần làm rõ trong tổng số các hộ dân đó, bao nhiêu trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bao nhiêu trường hợp hộ dân có diện tích đất chưa được đo đạc, chỉnh lý, chuẩn hóa và đưa vào bản đồ địa chính của địa phương, cũng như chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tiếp theo, địa phương cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch đất ở, đất rừng phòng hộ. Với trường hợp hộ dân có đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất, đơn vị chức năng cần lập báo cáo, tờ trình kiến nghị UBND thành phố, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đưa các hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch rừng phòng hộ.
Đối với các xã, thôn chưa có bản đồ địa chính, Luật sư cho rằng Hà Nội cần xây dựng kế hoạch, dự án đo đạc tổng thể để hoàn thiện, số hóa dữ liệu đất đai và cập nhật lên hệ thống quản lý đất đai của địa phương theo Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành của Nhà nước cũng như địa phương.
Trước đó, vào ngày 20/8/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản 1434 trả lời khiếu nại, tố cáo của người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Trong đó khẳng định quy hoạch đất rừng phòng hộ năm 2008 của UBND TP Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích đất của tổ chức, an ninh quốc phòng, đất do hộ dân sử dụng vào mục đích ở, đất sản xuất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993 trùng lấn với quy hoạch rừng...
Nguồn gốc đất của 27 hộ dân khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí có công trình xây dựng đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985 theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội; đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình không vi phạm pháp luật, có xác nhận của chính quyền địa phương; không nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng hàng năm...