‘Chiêu trò phù thủy’ của Chủ tịch Công ty Việt Á Phan Quốc Việt

Pháp luật - Ngày đăng : 20:20, 18/08/2023

Ông Phan Quốc Việt đã đưa 3,45 triệu USD (tương đương hơn 78 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng cho một số bị can là lãnh đạo, cán bộ để cám ơn việc tác động, tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm test xét nghiệm.

Theo kết luận điều tra, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và các nước trên thế giới, Chính phủ và Bộ KH&CN có chủ trương về việc giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Lợi dụng chủ trương này, bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã tìm cách để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu test xét nghiệm của Bộ KH&CN. Từ đó biến đề tài nghiên cứu test xét nghiệm của Bộ KH&CN là tài sản Nhà nước thành sản phẩm của Công ty Việt Á để sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm thu lời.

Ông Phan Quốc Việt đã thông đồng với ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ khoa học - công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và công nghệ) để Công ty Việt Á được Bộ KH&CN phê duyệt, tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.

Bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) 

Quá trình tham gia nghiên cứu, bị can Phan Quốc Việt còn thông đồng với ông Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế.

Sau đó bị can Việt tiếp tục đề nghị ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và thư ký của ông Long là bị can Nguyễn Huỳnh can thiệp, tác động, chỉ đạo bị can Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.

Nhờ đó, Công ty Việt Á đã biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định của pháp luật.

Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, bị can Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá, nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ.

Thậm chí, khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế (đã được ông Phan Quốc Việt nâng khống), tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.

Kết luận điều tra cho rằng, ông Phan Quốc Việt đã đưa tổng số 3,45 triệu USD (tương đương hơn 78 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng cho một số bị can là lãnh đạo, cán bộ để cám ơn việc tác động, tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm test xét nghiệm, được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được ông Phan Quốc Việt nâng khống.

Trong đó bị can Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng thỏa thuận ăn chia phần trăm doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thục test xét nghiệm. Theo đó, bị can Việt đã 2 lần đưa tổng số 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng) cho bị can Hùng.

Bộ Tài chính phân công ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá phân công chủ trì hiệp thương giá giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á, thực hiện trong điều kiện khẩn cấp theo yêu cầu về phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ.

Khi hiệp thương, hồ sơ của Bộ Y tế còn thiếu Bảng chi tiết yếu tố hình thành giá và Công ty Việt Á thiếu các căn cứ tính giá theo quy định.

Ông Nguyễn Nam Liên, đại diện Bộ Y tế đã quyết định giá hiệp thương 470.000 đồng/test không có căn cứ. Ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo và được nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo ký thông báo nêu giá hiệp thương như trên chỉ là để tạm tính nhằm thực hiện giao hàng và tạm thanh toán, không có trong quy định của Luật giá.

CQĐT xác định, việc này nhằm bảo vệ ngân sách Nhà nước không bị thiệt hại, thất thoát, lãng phí.

Sau khi hiệp thương, ông Nguyễn Anh Tuấn đã tham mưu để ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký văn bản của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện kiểm tra giá hiệp thương, xác định giá chính thức để làm căn cứ thanh toán nhưng Bộ Y tế không thực hiện.

Sau đó, ông Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục tham mưu để ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký văn bản của Bộ Tài chính báo cáo và kiến nghị để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương.