Mua 1, bán 10, Brighton 'buôn người' siêu hạng
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 14:18, 18/08/2023
Nếu một đội bóng mất tới 9 trụ cột, một HLV, Giám đốc kỹ thuật và trưởng bộ phận tuyển dụng trong vòng hai năm thì số phận họ sẽ ra sao? Nhiều người sẽ nghĩ về cuộc sụp đổ. Nhưng đi ngược lại tất cả suy nghĩ, Brighton càng lớn mạnh và phát triển hơn.
"Những đại bàng" trên mảnh đất Sương mù liên tục "rỉa" Brighton tới tận xương tủy nhưng CLB này vui mừng vì điều đó. Bởi đó là mục đích của họ. Song song với việc ngày càng thăng tiến, Brighton nổi lên với biệt tài "buôn người" tuyệt đỉnh.
Doanh thu từ bán cầu thủ của Brighton lên tới 390 triệu bảng chỉ trong vòng vài năm qua. Có lẽ, trong lịch sử, CLB chưa bao giờ cầm trên tay nhiều tiền tới vậy. Đó là thành quả của kế hoạch "xuất khẩu" cầu thủ được "bố già" Tony Bloom (ông chủ đội bóng) và cánh tay phải Paul Barber (Giám đốc điều hành) ấp ủ trong nhiều năm qua.
Hãy thử tưởng tượng hai năm trước, Brighton chỉ chi ra 3,6 triệu bảng để ký hợp đồng với Moises Caicedo từ Independiente del Valle. Vài ngày trước, họ vừa biến ngôi sao người Ecuador trở thành cầu thủ đắt giá nhất Ngoại hạng Anh khi bán cho Chelsea với giá 115 triệu bảng. Đó là thương vụ đầu tư đáng ghi vào sách giáo khoa.
Mac Allister được mang về từ Argentinos Juniors với giá chưa tới 7 triệu bảng nhưng họ vừa bán cho Liverpool với giá 40 triệu bảng. Cucurella chuyển tới Brighton từ Getafe với giá 15,4 triệu bảng và được bán cho Chelsea với giá gấp 4 lần (62 triệu bảng).
Người hâm mộ có thể kể ra nhiều thương vụ tương tự như khi họ bán Ben White cho Arsenal (50 triệu bảng), Yves Bissouma (Tottenham, 25 triệu bảng), Leandro Trossard (Arsenal, 21 triệu bảng), Neal Maupay (Everton, 15 triệu bảng), Dan Burn (Newcastle, 13 triệu bảng)…
Thậm chí, Brighton còn lên trình độ mới khi thu về 21,5 triệu bảng sau khi để HLV Graham Potter sang Chelsea.
Southampton từng phải trả giá đắt khi phải xuống hạng ở mùa giải trước sau thời gian dài "xuất khẩu" cầu thủ. Nguyên nhân bởi họ không tìm được sự thay thế hợp lý cho những trụ cột ra đi. Điều đó khiến CLB ngày càng tàn lụi.
Thế nhưng, "Chim mòng biển" không chỉ sống sót sau những cuộc di cư hàng loạt mà còn vươn lên mạnh mẽ. Nguyên nhân là nhờ những tính toán của hai nhân vật đã nói ở trên, đó là ông chủ Tony Bloom và Giám đốc điều hành Paul Barber.
Để chuẩn bị cho cuộc "xuất khẩu" ở mùa giải này, Brighton đã chuẩn bị sẵn Kaoru Mitoma, Julio Enciso hay Evan Ferguson để thay thế. Ngay ở vòng đấu đầu tiên, những cái tên này đã giúp Brighton hủy diệt Luton Town với tỷ số 4-1.
Có chi tiết thú vị, trong máy tính xách tay của Barber luôn có sẵn một tệp chứa những cái tên sẵn sàng thay thế cho bất cứ thành viên nào của Brighton (kể cả chính ông Barber). Điều đó khiến cho CLB tránh khỏi sự bị động khi tìm kiếm sự thay thế trong thời gian ngắn. Chả thế mà, ở mùa giải trước, dù chia tay HLV Graham Potter vào giữa mùa, Brighton đã ngay lập tức mang về HLV De Zebri và tiếp tục gặt hái được thành công rực rỡ.
Còn ông chủ Tony Bloom vốn là doanh nhân chuyên về cá cược thể thao. Ông nắm trong tay cơ sở dữ liệu phân tích thị trường thể thao. Giám đốc điều hành Barber chia sẻ: "Chúng tôi có cơ sở dữ liệu về con người, mức độ và hiệu suất của các cầu thủ. Do đó, chúng tôi có thể dự đoán được khả năng thích nghi của một cầu thủ với môi trường Premier League".
Mô hình này khá hiện đại trong thời điểm hiện nay, khi những thuật toán được áp dụng triệt để vào việc lập trình kế hoạch, săn người… Đó là lý do trong 4 năm trở lại đây, Brighton chỉ có đúng một thương vụ lỗ vốn (Neal Maupay, mua 16 triệu bảng, bán 12 triệu bảng).
Với danh tiếng được xây dựng, Brighton còn được xem là nơi những cầu thủ trẻ chủ động "trú ẩn" an toàn để phát triển sự nghiệp. Như Evan Ferguson đã chủ động chọn Brighton và từ chối nhiều ông lớn ở Anh. Đổi lại, cơ hội phát triển của cầu thủ này sẽ lớn hơn. Thông qua cầu nối Brighton, những cầu thủ trẻ sẽ chuyển sang bến đỗ lớn hơn sau khi "đủ lông đủ cánh".