Nhà sáng chế nông dân và những chiếc máy chinh phục thế giới
Tin tức - Ngày đăng : 08:51, 18/08/2023
Anh Nguyễn Hồng Chương giới thiệu máy gieo hạt chân không 6 trong 1. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Chỉ học hết lớp 8 nhưng đến thời điểm này, anh Nguyễn Hồng Chương (48 tuổi ở thôn Lạc Thanh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã nghiên cứu, chế tạo được gần 50 loại sản phẩm máy nông cụ đưa ra thị trường trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhà sáng chế nông dân này vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, sáng chế nhiều loại máy nông nghiệp tự động để giảm nhân công và tăng năng suất lao động cho người nông dân.
Cơ sở Nghiên cứu, Ứng dụng Máy nông nghiệp Hồng Chương của anh đang chuẩn bị xuất xưởng rất nhiều loại máy nông cụ tinh xảo.
Nổi bật trong đó là máy gieo hạt chân không 6 trong 1 tự động, có thể làm thay công việc của 30-32 nhân công.
Người sử dụng chỉ việc đổ giá thể vào lồng sàng và hạt giống vào khay, máy sẽ tự động sàng, xay trộn giá thể, đóng vào khay, nén lỗ, tra hạt và xếp khay ra ngoài.
Đáng chú ý là những chiếc máy do anh Hồng Chương sáng chế hầu hết sử dụng các thiết bị cơ học, ít thiết bị điện tử nên rất phù hợp với những người nông dân không mấy am hiểu kỹ thuật hiện đại.
Xuất thân từ gia đình thuần nông quê gốc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, anh Nguyễn Hồng Chương theo gia đình vào huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp từ những năm 1980.
Do cuộc sống khó khăn, học hết lớp 8, anh phải bỏ học để ở nhà làm nông nghiệp cùng gia đình.
Anh đã trăn trở rất nhiều về việc làm sao để giải phóng được sức lao động, khi người nông dân chỉ biết làm thủ công, năng suất không cao.
Từ nhỏ, anh Chương đã rất ham sáng chế, thậm chí còn làm đồ chơi bán cho trẻ trong làng.
Năm 2004, anh có sáng chế đầu tiên ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Ngày đó, gia đình quá nghèo, anh thuê 8.000m2 đất để trồng rau.
Do một mình phải làm diện tích lớn như vậy, anh đã nghiên chế tạo cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao. Cần phun này mỗi giờ phun được 8.000-10.000m2 các loại rau thương phẩm, thay thế từ 4-6 lao động, lại giảm được độc hại cho người lao động.
Anh Nguyễn Hồng Chương hướng dẫn công nhân sản xuất thiết bị cho máy nông cụ. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Sau thành công đầu tiên này, năm 2007, anh Nguyễn Hồng Chương tích lũy hơn 7 triệu đồng, rồi mua sắt, thép, nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt chân không. Đây là sản phẩm đầu tay nhưng rất hữu ích cho các nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao.
Lý do anh nghiên cứu loại máy này bởi hàng ngày đi làm qua các vườn ươm, thấy rất nhiều người xúm vào làm việc theo nhóm để tra hạt vào các bầu cây, vỉ đất. Công đoạn này cần rất tỷ mỉ và tốn nhiều nhân công.
Từ niềm đam mê và thành công bước đầu, năm 2008, Nguyễn Hồng Chương vay tiền của bạn bè, mạnh dạn thành lập Cơ sở Nghiên cứu Ứng dụng Máy nông nghiệp Hồng Chương.
Các sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp do anh sáng chế lần lượt ra đời như máy gieo hạt chân không; máy đóng đất vào chậu tự động; máy vắt nước cho rau; cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao; máy đóng bầu đất vào vỉ xốp; máy xay đất bùn; máy xay đất bùn kết hợp băng tải; máy sàng đất mùn; máy rửa đánh bóng và phân loại củ quả; máy rửa, đánh bóng củ, quả đa năng; máy đóng bầu trồng cây tự động...
Những sáng chế của anh Chương được nhiều doanh nghiệp Malaysia ưa chuộng và đặt hàng mua. Năm 2012, cơ sở của anh đã ký kết sản xuất máy nông nghiệp với những đối tác ở các nước Đông Á.
Năm 2017, trong vòng 2 tuần, anh Nguyễn Hồng Chương đã cải tiến và thiết kế ra mẫu máy gieo hạt chân không tự động mới có công suất lớn hơn, với hệ thống 6 trong 1 tự động.
Sản phẩm của anh đã được bán rộng rãi trong toàn quốc và xuất đi Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia..., đặc biệt tiêu thụ nhiều ở Malaysia.
Loại máy này đạt được tỷ lệ chính xác cao, không rơi vãi hạt, bình quân mỗi giờ gieo được gần 27.000 hạt giống.
Mỗi chiếc máy gieo hạt này có thể thay thế cho từ 10-12 lao động nhưng lượng điện chỉ tiêu tốn 0,5 kw/h.
Cơ sở Hồng Chương đang sản xuất máy gieo hạt chân không 6 trong 1 tự động có thể thay thế 30-32 nhân công, sản xuất từ vật liệu thép không rỉ nên rất bền, đẹp và được các nhà vườn ưa chuộng. Các loại phẩm của cơ sở đã tiêu thụ rộng rãi trong toàn quốc.
Anh Nguyễn Hồng Chương đã mở rộng xưởng cơ khí có quy mô hơn 1.000m2 với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng.
Xưởng sản xuất của Cơ sở Hồng Chương. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Anh còn xây dựng một khu nhà kính thông minh trồng rau, với hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm tự động nhờ hệ thống mái che tự di chuyển, hệ thống phun nước tưới theo cảm biến; hệ thống canh tác rau siêu sạch gia đình, giúp nhiều hộ ở các chung cư cao tầng trong thành phố có thể tự trồng rau sạch ăn...
Anh Nguyễn Minh Thắng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Thành phố Hồ Chí Minh và đã làm tại Cơ sở Hồng Chương 13 năm.
Anh Thắng chia sẻ ban đầu anh chỉ muốn vào đây làm thử và tìm hiểu ông chủ chỉ học hết lớp 8 đã có thể sáng chế ra nhiều máy hữu ích như vậy.
Làm ở đây một thời gian, anh nể phục “Kỹ sư chân đất” Nguyễn Hồng Chương và gắn bó đến nay.
Nể phục hơn khi anh Chương có thể chơi nhiều loại nhạc cụ như đàn piano, kèn saxophone, violon... và chơi rất chuyên nghiệp trong dàn nhạc của nhà thờ ở địa phương.
Trong xưởng sản xuất, anh Chương bố trí một phòng để mọi người cùng sở thích biểu diễn âm nhạc mỗi khi rảnh rỗi.
Từ những sáng chế của mình, anh Nguyễn Hồng Chương đã được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng...
Năm 2017, anh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế tạo máy phục vụ sản xuất máy nông nghiệp công nghệ cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2018, anh được vinh danh trong Lễ tôn vinh 53 nhà khoa học của nhà nông lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Đánh giá và ghi nhận những thành quả của anh Nguyễn Hồng Chương, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho rằng với điều kiện khó khăn như huyện Đơn Dương, sự nỗ lực, sức sáng tạo của anh Chương rất đáng ghi nhận.
Chính quyền tỉnh mong muốn nhân rộng hơn nữa những phát minh sáng tạo để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn vươn ra thị trường trong và ngoài nước./.