Sĩ tử 2k5 làm gì trong khi đợi điểm chuẩn
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:50, 17/08/2023
Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ chính thức công bố điểm chuẩn đại học năm 2023 và kết quả xét tuyển đợt 1. Điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là một trong những yếu tố quyết định đến tương lai, con đường học tập và nghề nghiệp của các sĩ tử. Trong những ngày hồi hộp chờ đợi kết quả điểm chuẩn, các thí sinh đã phải đối mặt với một loạt cảm xúc và tâm trạng khác nhau, từ niềm vui phấn khích, lo âu đến sự bối rối, hoài nghi.
Team mong ngóng điểm chuẩn
Nguyễn Thị Cẩm Ngân (Sinh năm 2005, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Long An) đã trải qua những biến đổi không ngừng về mặt cảm xúc. “Những ngày đầu chờ đợi kết quả điểm chuẩn đánh bại hầu hết các tâm trạng khác. Cảm giác hồi hộp, căng thẳng, thậm chí là lo lắng, rối ren bao trùm trái tim của mình. Từ việc suy nghĩ về kết quả, tương lai và cơ hội vào trường mong muốn, cho đến việc lo ngại về sự thất vọng và áp lực từ gia đình, những tâm trạng này thường xuyên biến đổi trong suốt giai đoạn chờ đợi”, Cẩm Ngân bộc bạch.
Không muốn để cho những trạng thái tiêu cực này chi phối cuộc sống, Cẩm Ngân đã cố gắng điều chỉnh lại tâm trạng và tập trung vào những hoạt động tích cực. “Mình tận dụng thời gian này để trau dồi thêm một số kỹ năng cần thiết như: học và thi bằng lái xe máy, đăng ký một khóa học tin học cơ bản để có thể sử dụng thành thạo máy tính, mình cũng học thêm ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh vì mình nghĩ những kỹ năng này là điều cần thiết khi mình bước vào giảng đường đại học”, cô bạn chia sẻ.
Không thể phủ nhận rằng những ngày chờ đợi này là thử thách đối với tâm trí của bất kỳ ai. Cảm giác lo sợ, bất an về tương lai và áp lực từ mọi nguồn góp phần tạo nên bầu không khí căng thẳng đang len lỏi trong tâm hồn các sĩ tử.
Thế nhưng, thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng, Nguyễn Công Phương (Sinh năm 2005, trường THPT số 1 Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) chọn cách tin vào những nỗ lực của bản thân đã đổ vào việc học suốt thời gian qua và duy trì một tinh thần lạc quan. Công Phương tâm sự: “Mình nhận ra rằng việc lo lắng và căng thẳng chỉ làm cho tâm trạng của mình trở nên xấu đi. Mình luôn cố gắng để nghĩ rằng điểm số chỉ là một phần nhỏ trong hành trình học tập của mình. Dù kết quả ra sao, mình sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực để phấn đấu vươn tới mục tiêu mà bản thân mong muốn”.
Công Phương cho hay, để giảm bớt căng thẳng và lo lắng trong giai đoạn chờ đợi, cậu bạn đã tìm đến các hoạt động xả stress: “Mình tham gia các hoạt động thể thao, đọc sách, xem phim, nghe nhạc và giúp đỡ công việc nhà cho bố mẹ. Những hoạt động này không chỉ giúp mình giảm căng thẳng mà còn giúp trạng thái của mình tích cực hơn mỗi ngày”.
Team nắm chắc tấm vé vào đại học
Bên cạnh nhiều thí sinh thấp thỏm chờ đợi điểm chuẩn thì nhiều sĩ tử đã “chắc suất” vào đại học nhờ các phương thức xét tuyển khác như tuyển thẳng, đỗ học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực,...
Hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với tâm trạng thoải mái, Phạm Ngọc Thanh Thùy (Sinh năm 2005, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, bản thân đã trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Tài chính - Marketing bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực và đang tận hưởng niềm vui trước khi nhập học.
“Mình không nhất thiết phải chờ điểm chuẩn nên tâm trạng rất thoải mái. Thời gian này, mình ở nhà thư giãn cùng gia đình, tận hưởng niềm vui, tạo dựng những kỷ niệm đáng nhớ với gia đình, bạn bè và thả lỏng tinh thần trước khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời”, Thanh Thùy vui vẻ nói.
Ngoài vui chơi, cô bạn cũng bắt đầu chuẩn bị giấy tờ cần thiết và rất mong chờ đến ngày nhập học. “Mình tận dụng thời gian để nghiên cứu về trường, suy nghĩ về việc nên ở ký túc xá hay ở trọ và cố gắng giữ cho mình một trạng thái tốt nhất để bắt đầu cuộc sống đại học. Hi vọng mình có thể kết được bạn tốt, vui vẻ trải qua cuộc sống sinh viên”, cô bạn bày tỏ.
Mặc dù cũng đang trong tư thế chờ đợi điểm chuẩn, thế nhưng Nguyễn Yến Thanh (Sinh năm 2005, trường THPT Marie Curie, TP.HCM) lại chẳng hề mang tâm trạng lo âu, ngược lại cô bạn còn rất thoải mái tham gia các hoạt động xã hội và tình nguyện. Yến Thanh cho hay, cô bạn đã nắm chắc tấm vé vào đại học khi trúng tuyển hai trường gồm Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM và Đại học Công Nghệ TP.HCM-HUTECH.
Yến Thanh tiết lộ, trong thời gian đợi điểm chuẩn, cô bạn đã tranh thủ tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện hè để trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác: “Ngay khi thi xong, mình bắt đầu lên kế hoạch sẽ học hỏi và bồi dưỡng thêm những kiến thức giao tiếp và tìm hiểu về chuyên ngành mình muốn vào cần những gì và có phù hợp với bản thân không”.
Đến nay, Yến Thanh đã hoàn thành việc chuẩn bị cho mình kiến thức cơ bản, trau dồi khả năng giao tiếp, thuyết trình, ứng dụng các lập trình cần cho ngành học và sẵn sàng để bước vào ngưỡng cửa đại học: “Mình nghĩ mình sẽ gặp nhiều thách thức trong việc học tập trước khi đạt được mục đích cuối cùng cho tương lai. Mình cũng sẽ có cơ hội thực tập ở nhiều nơi để bỏ túi thêm kinh nghiệm trong chuyên ngành mà mình đã chọn”.