Lương sao cho xứng với 'nghề cao quý'

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:49, 17/08/2023

"Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”.

Sáng 15/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc đối thoại trực tuyến lần đầu tiên với hơn 1 triệu thành viên ngành giáo dục. Vấn đề “nóng” nhất trong cuộc đối thoại lịch sử này là gần 2.000 ý kiến đề nghị xem xét vấn đề lương, chế độ cho giáo viên quá thấp, không đủ sống.

gc.jpeg
Nhiều giáo viên bỏ nghề vì lương không đủ sống

Lương không đủ sống là chuyện buồn muôn thuở với nghề giáo. Theo thống kê, lương bình quân hằng tháng của giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học (năm 2020) là 7,05 triệu đồng. Nếu tính từ ngày 1/7/2023, thời điểm tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, thì giáo viên hạng 3 bậc 1 ở các cấp mầm non cũng chỉ nhận lương 3,78 triệu đồng/ tháng, cấp tiểu học, THCS và THPT nhận 4,2 triệu/tháng.

Tất nhiên, bên cạnh lương, giáo viên ở các cấp học đều được hưởng các phụ cấp, hỗ trợ khác, nhưng so với mức chi phí sống hiện tại, nếu chỉ trông vào thu nhập từ nghề, thì một bộ phận không nhỏ giáo viên thực sự khó lo cho chính bản thân họ, chưa nói gì cho cả gia đình. Các thầy cô trẻ đang tràn trề nhiệt huyết cống hiến thì còn gắng sức, nhưng năm tháng qua đi, mức thu nhập vẫn không được cải thiện là bao trước áp lực đè nặng từ chi phí sống, lo toan cho gia đình, thì việc từ giã “phấn bảng” là điều cực chẳng đã.

Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do chính khiến nhiều giáo viên đau xót bỏ nghề. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng trong năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, tính trung bình cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc.

vc.jpeg
Ngành giáo dục có cải thiện được đời sống giáo viên?

Lương thấp không chỉ dẫn đến làn sóng bỏ việc, mà còn gây nản chí với những bạn trẻ muốn theo đuổi con đường sư phạm. Và hệ quả là tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng hơn. Kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu trên 118.000 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022.

Thậm chí ngay thủ đô Hà Nội cũng thiếu hơn 10.200 giáo viên, trong đó nhiều nhất ở bậc tiểu học và THCS. Năm 2002, 14 tỉnh, thành ở miền Trung được giao tuyển trên 6.500 giáo viên mới, nhưng sau một năm chỉ tuyển được gần 70% chỉ tiêu.

Những con số đó đã phần nào nói lên thực trạng khó khăn khi theo đuổi nghề “trồng người”. Chưa kể một thực tế là nhiều giáo viên ở lại với nghề nhưng không còn mấy nhiệt huyết khi họ cũng phải chật vật làm thêm để trang trải cuộc sống. Chuyện học thêm, học phụ đạo kiểu “tự nguyện một cách... bắt buộc” trong nhiều trường hợp cũng xuất phát từ áp lực tăng thêm thu nhập của các thầy cô giáo.

Lương giáo viên là câu chuyện trường kỳ đã kéo dài qua nhiều thời bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó được nhắc đến trong các lần xây dựng luật, sửa luật, trong các kỳ họp Quốc hội. Trên thực tế, Đảng và Chính phủ ta cũng đã quan tâm đến đội ngũ nhà giáo bằng nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ cụ thể, nhưng nhìn tổng thể thì mức lương giáo viên vẫn thấp, chưa tương xứng với công sức và áp lực dành cho "nghề cao quý” mà họ đang cống hiến.

Đến nay phần lớn giáo viên vẫn có mức thu nhập không vượt qua con số 10 triệu đồng/tháng, bao gồm cả các loại phụ cấp. Thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau 5 năm công tác chỉ đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng. Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan mới đây đã phải thốt lên: “Nói thật, lương thế này thì chẳng ai muốn làm nhà giáo. Giáo viên áp lực quá, cùng một lúc phải tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chính sách tiền lương không phù hợp. Lương giáo viên mấy triệu bạc làm sao đủ sống…”.

Ngân sách eo hẹp, kéo theo rất nhiều cản trở khác trong hành trình tăng lương, khiến cho xét ở khía cạnh "lương", giáo dục vẫn chưa ở vị thế xứng tầm "quốc sách hàng đầu". Để giải quyết áp lực cho giáo viên và giữ chân họ bám trụ và tâm huyết với nghề, cần những giải pháp tổng thể và lâu dài.

Trong đó, một gốc rễ là vấn đề thu nhập. Nhà nước cần có cách làm đột phá, tiến hành cải cách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương giáo viên có tính đặc thù, để những người thầy “sống được” và an tâm với sự nghiệp trồng người. Lương giáo viên cần tương xứng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra và phù hợp với sự cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Nhưng “nói đi” thì cũng phải “nói lại”. Trong hơn 1 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước, có nhiều người lương thấp, sống cuộc sống khó khăn nhưng vẫn bám trụ với nghề. Có những thầy, cô giáo vượt hàng chục cây số đường hiểm trở để đến điểm trường; có những giáo viên bán cả đồ đạc trong nhà để mua thiết bị thí nghiệm, tự làm đồ dùng dạy học. Tâm huyết cống hiến cháy bỏng trong tim đã giúp họ vượt qua nhiều thiếu thốn, vất vả, để giữ tình yêu với những chuyến đò tri thức.

Điều đó cho thấy, không phải ai trong hơn chục ngàn giáo viên bỏ nghề cũng chỉ là vì lương thấp. Trong lúc chờ giải bài toán về lương, nhà nước và ngành giáo dục cũng cần tìm ra và phối hợp nhiều giải pháp khác để giáo viên cảm nhận họ được trân trọng. Bên cạnh thu nhập, còn rất nhiều vấn đề, áp lực đang đè nặng lên tâm lý và đời sống nghề nghiệp của các thầy cô giáo, từ việc giáo trình liên tục thay đổi; các quy định, tiêu chuẩn đánh giá giáo viên, cho đến ứng xử văn hóa đạo đức từ phụ huynh – học sinh.v.v…

Tagore, nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ, có câu nói bất hủ: “Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”. Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng nhấn mạnh: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”.

Nhưng để được hạnh phúc, người giáo viên cần được tôn trọng, trân quý trên cả khía cạnh tinh thần và vật chất, một cách xứng đáng với nghề cao quý mà họ cống hiến cho xã hội.