'Xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cơ sở để dẫn độ tội phạm'
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:59, 16/08/2023
Tại buổi thông báo kết quả phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do Ban Nội chính Trung ương tổ chức chiều 16/8, báo chí đặt câu hỏi liên quan việc Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn truy nã và đang ở Đức.
Báo chí cũng hỏi về các biện pháp tương trợ tư pháp để tìm kiếm, dẫn độ bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn về nước.
Trả lời câu hỏi này, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định quyết tâm của Ban Chỉ đạo và các cơ quan bảo vệ pháp luật rất cao, rất quyết liệt.
"Không phải với trường hợp này, mà tất cả những trường hợp trốn đều quyết tâm truy bắt", ông Yên nhấn mạnh.
Nhấn mạnh "những bước tiến mới" Ban Chỉ đạo đã tổng kết, Phó ban Nội chính Trung ương đề cập việc xử lý cả những đối tượng bỏ trốn.
"Quy định của pháp luật Việt Nam cho phép làm điều đó. Tất cả trường hợp có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ, dù trốn vẫn đủ điều kiện để kết tội, xử lý nghiêm minh", ông Yên khẳng định.
Theo ông, đây là tiền đề để phục vụ cho việc truy bắt đối tượng phạm tội bỏ trốn.
Bởi khi mới chỉ là đối tượng truy nã và chưa có bản án sẽ rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi đã là tội phạm và bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, tội phạm, nhất là với tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế, sẽ không có nước nào dung tha.
Với những quốc gia Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết sẽ thực hiện nguyên tắc có đi có lại. Và lúc này, không phải chỉ lực lượng điều tra Bộ Công an mà các lực lượng cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài như ngoại giao, đều phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
"Chúng ta sẽ cố gắng quyết tâm và tin rằng việc này sẽ có kết quả", ông Yên khẳng định.
Cũng nói về vấn đề này trước đó, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết vừa qua các cơ quan đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn, mở đường xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở các vụ án khác.
Theo ông, đây là cơ sở dẫn độ tội phạm. Cũng từ vụ việc này, có thể nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn. "Đây là điểm mới, nổi bật trong phòng chống tham nhũng", ông Dũng nói.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh là tội phạm dù bỏ trốn vẫn bị xét xử, ông Dũng cho biết trong phiên họp thứ 24 sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh kiên quyết dẫn độ bằng được đối tượng bỏ trốn trong các vụ án để xét xử nghiêm minh.
Ông Dũng khẳng định quyết tâm dẫn độ và nói các đối tượng "bỏ trốn cũng không được".