Những thuốc bắt buộc phải ăn no mới được uống

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:15, 16/08/2023

Một số thuốc cần phải uống vào lúc no (cùng với thức ăn) mới có hiệu quả chữa bệnh tối ưu và ngăn ngừa tác dụng phụ có hại của thuốc…

Thực phẩm không ảnh hưởng đến tất cả các loại thuốc. Tuy nhiên, đối với một số thuốc, thức ăn có thể làm giảm tác dụng phụ hoặc giúp thuốc hoạt động tốt hơn trong cơ thể, phát huy hiệu quả chữa bệnh tối ưu nhất.

1. Lợi ích của uống thuốc khi no?

- Cải thiện sự hấp thụ: Một số loại thuốc hoạt động tốt hơn khi được dùng cùng với thức ăn trong dạ dày, giúp cải thiện sự hấp thụ thuốc vào máu, đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

- Giảm tác dụng phụ dạ dày: Thực phẩm có thể giúp bảo vệ dạ dày khỏi bị kích ứng do một số loại thuốc.

- Ngăn ngừa hạ đường máu: Người bệnh cần ăn khi uống một số loại thuốc trị đái tháo đường, để ngăn lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp (hạ đường huyết).

photo-1691819016003-16918190163201350477037.jpg
Thức ăn có thể giúp hấp thu thuốc tốt hơn.

2. Một số loại thuốc nên uống khi no

Dưới đây là 7 loại thuốc nên dùng cùng với thức ăn:

2.1 Thuốc chống viêm corticoid nên uống khi no

Corticosteroid (corticoid) là thuốc giúp giảm viêm trong cơ thể, được dùng rất phổ biến cho các tình trạng liên quan đến viêm, dị ứng, miễn dịch…

Một số ví dụ về các thuốc này như: Prednisolone, hydrocortisone, methylprednisolone (medrol).

Đau dạ dày là tác dụng phụ phổ biến của corticosteroid đường uống. Thuốc kích thích giải phóng axit trong dạ dày, có thể gây kích ứng. Uống corticosteroid cùng với thức ăn có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng khó chịu ở dạ dày.

2.2 Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là thuốc giúp điều trị đau và viêm. Một số ví dụ bao gồm ibuprofen (advil, motrin), meloxicam (mobic) và naproxen (aleve, naprosyn).

NSAID có thể gây hại cho dạ dày. Một số thuốc gây kích ứng trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, có thể phá vỡ lớp chất nhầy bảo vệ dẫn đến viêm loét dạ dày.

Do đó, các thuốc NSAID nên được dùng cùng với thức ăn, sẽ giúp giảm kích ứng dạ dày.

2.3 Một số loại thuốc kháng sinh

Rất nhiều người khi dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh băn khoăn rằng, không biết nên dùng thuốc vào lúc nào là tốt nhất. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại thuốc kháng sinh để có thể nên uống vào lúc đói hay no.

Một số kháng sinh cần uống khi đói giúp hấp thu tốt hơn, nhưng một số loại khác cần uống vào lúc no (cùng thức ăn).

Ví dụ về thuốc kháng sinh bạn nên dùng cùng với thức ăn bao gồm:

- Amoxicillin/clavulanate (augmentin)

- Cefpodoxim

- Nitrofurantoin (macrobid, macrodantin)

- Rifabutin (mycobutin)

Amoxicillin/clavulanate và rifabutin đều có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và đau dạ dày. Uống các loại kháng sinh này với thức ăn có thể giúp giảm các vấn đề về dạ dày.

Một số kháng sinh phải uống cùng thức ăn để được hấp thụ tốt hơn. Khi nhiều thuốc vào cơ thể, nó sẽ có tác dụng tối ưu trong điều trị bệnh. Ví dụ, khoảng 40% nitrofurantoin được hấp thụ vào cơ thể nhiều hơn khi được dùng cùng với thức ăn. Viên cefpodoxime cũng được hấp thu tốt hơn khi dùng cùng với thức ăn.

Do không phải thuốc kháng sinh nào cũng nên uống lúc no, do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về thời điểm uống thuốc phù hợp.

2.4 Thuốc trị đái tháo đường sulfonylurea

Thuốc nào cần uống khi no? - Ảnh 2.

Uống thuốc khi nó giúp giảm tác dụng phụ của thuốc.

Sulfonylurea là thuốc làm giảm lượng đường trong máu, được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường type 2.

Các thuốc này bao gồm: Glipizide, glimepiride (amaryl) và glyburide (diabeta, glynase)…

Những loại thuốc này hoạt động bằng cách kích thích tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn. Do cách thức hoạt động này, thuốc có thể làm giảm đường máu xuống quá thấp khi bụng đói. Vì vậy, điều quan trọng là phải dùng sulfonylurea cùng với thức ăn.

Thời điểm dùng, liều dùng phụ thuộc vào từng loại thuốc cụ thể. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để biết thời gian cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ dùng liều trong vòng 30 phút sau bữa ăn.

2.5 Insulin tác dụng nhanh

Insulin giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu, được sử dụng để điều trị đái tháo đường. Có nhiều loại insulin khác nhau, tùy thuộc vào loại mà người bệnh đang sử dụng, có thể cần sử dụng cùng với thức ăn.

Nếu dùng insulin tiêm tác dụng nhanh, như insulin aspart (novolog) thì nên dùng ngay trước bữa ăn. Dùng insulin tác dụng nhanh mà không ăn có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, có thể nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ sẽ giúp người bệnh hiểu cách xác định liều lượng insulin dựa trên lượng carbs người bệnh ăn và mục tiêu đường huyết của từng người bệnh.

2.6 Thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit giúp giảm các triệu chứng trào ngược axit, như chứng ợ nóng. Thuốc hoạt động bằng cách trung hòa axit trong dạ dày.

Một số thuốc kháng axit có chứa canxi như canxi carbonat (tums), một số khác có thể chứa magie và/hoặc nhôm.

Rất nhiều người bị trào ngược axit sau khi ăn, vì vậy dùng thuốc kháng axit với thức ăn có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng này. Các thuốc này không ngăn chặn quá trình tiết axit từ dạ dày, nhưng chúng có thể trung hòa axit khi nó được kích hoạt bởi thức ăn.

2.7 Thuốc trị sốt rét chloroquine

Chloroquine là thuốc được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa bệnh sốt rét. Thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ liên quan đến dạ dày như buồn nôn, tiêu chảy và co thắt dạ dày (trực tiếp gây kích ứng dạ dày). Đây là lý do tại sao nên dùng thuốc này cùng với thức ăn.

Ngoài ra, dùng chloroquine với sữa có thể làm giảm tác dụng độc hại của thuốc đối với các tế bào trong dạ dày.

3. Uống thuốc khi no nhưng thời điểm nào là thích hợp?

Nếu thuốc được khuyến cáo dùng cùng thức ăn, có rất nhiều vấn đề cần đặt ra như: Liệu nên uống ngay trước bữa ăn hay ngay sau bữa ăn? Uống với một ly sữa có được không, hay phải cần một bữa ăn đầy đủ? Các câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong các nghiên cứu về tác dụng của thực phẩm đối với thuốc, FDA khuyến cáo nên dùng thuốc trong vòng 30 phút sau khi ăn no.

Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thức ăn cùng với thuốc để tăng cường hấp thu, nên dùng thuốc trong bữa ăn để có kết quả tốt nhất.

Nếu bạn đang dùng thức ăn cùng với thuốc để ngăn ngừa kích ứng dạ dày, thông thường một bữa ăn nhẹ hoặc một ly sữa là đủ. Vì cơ thể người bệnh phản ứng khác nhau, nên bạn có thể cần thử một vài loại thực phẩm khác nhau để xem loại nào phù hợp nhất với mình.

Để ngăn ngừa đau dạ dày, tốt nhất nên dùng thực phẩm có hàm lượng axit thấp (như chuối, khoai tây hoặc bột yến mạch).

Điều quan trọng người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về thời gian uống thuốc cùng với thức ăn, vì điều này sẽ phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể.

4. Uống thuốc khi no nhưng thực phẩm nào cần tránh?

Nếu bạn đang dùng thuốc với thức ăn để ngăn ngừa đau dạ dày, bạn nên tránh tránh thức ăn và đồ uống có tính axit. Nước giải khát, cà phê và sữa gây ra nhiều axit trong dạ dày hơn nước. Bạn cũng nên cố gắng tránh thức ăn béo, đường hoặc cay.

Ngoài ra, một số thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ của một số loại thuốc. Ví dụ, thức ăn mặn hoặc có đường có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ của các thuốc corticosteroid, như sưng tấy và lượng đường trong máu cao.

Nước ép bưởi cũng có thể tương tác với nhiều loại thuốc. Nếu bạn không chắc chắn những loại thực phẩm và đồ uống nào có thể dùng cùng với thuốc của mình, hãy nhờ dược sĩ giúp đỡ.

Thức ăn có thể giúp hấp thu một số loại thuốc tốt hơn. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm các tác dụng phụ như khó chịu ở dạ dày hoặc lượng đường trong máu thấp...