Bộ trưởng 'bắt bệnh' giá lúa gạo nội địa tăng cao
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 08:11, 16/08/2023
Thương lái tranh mua
Hết gạo ăn, chị Lê Thị Thanh ở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) sáng 15/8 chạy ra cửa hàng gần nhà mua. Theo thói quen, chị chọn mua một bao gạo ST25 trọng lượng 20kg. Song, thay vì phải trả 260.000 đồng như trước, nay chủ hàng thông báo giá tăng lên 280.000 đồng.
"Chủ hàng nói giá gạo dịp này tăng mạnh. Lô gạo này nhập từ thời điểm mới bắt đầu tăng nên giá chưa điều chỉnh nhiều. Từ những lô sau, chắc chắn giá sẽ cao hơn", chị chia sẻ.
Nhà chị Thanh có 7 nhân khẩu, một tháng ăn hết khoảng 20kg gạo. Với mức tăng như hiện nay, chị tốn thêm 20.000 đồng/tháng - mức này không nhiều song "mỗi thứ một ít" nên cũng lo.
Thực tế, từ 20/7 trở lại đây, giá gạo trên thị trường thế giới biến động mạnh, lên mức cao nhất trong 15 năm qua.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với trước thời điểm 20/7, gạo 5% tấm và 25% tấm tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có.
Biến động giá xuất khẩu cũng đẩy giá mặt hàng lúa gạo nội địa tăng mạnh.
Cụ thể, cập nhật mới nhất (tính theo tuần) từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá trung bình lúa thường tại ruộng tăng 16,3% so với thời điểm trước ngày 20/7, lên mức 7.786 đồng/kg; lúa tại kho tăng 12%, đạt 9.417 đồng/kg.
Đáng chú ý, gạo xát trắng loại 1 tăng đột biến 29,4% lên 14.925 đồng/kg; gạo 5% tấm cũng tăng mạnh 26,7% lên 14.633 đồng/kg; gạo 15% và 25% tấm đều tăng gần 27% lên mức 14.350 đồng/kg và 14.033 đồng/kg.
Ở vựa lúa gạo ĐBSCL, nhiều nơi đang xảy ra tình trạng thương lái tranh nhau đặt cọc mua lúa non, đẩy giá mặt hàng này tăng từng ngày.
Giám đốc một doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ gạo cho hay đơn vị này mỗi tháng nhập gần 50 tấn gạo phục vụ sản xuất. Song, giá một số mặt hàng gạo đã tăng tới 50% so với cách đây 1 tháng.
Đơn cử, gạo 504 trước đây chỉ 10.000 đồng/kg, nay tăng lên mức 14.000-15.000 đồng/kg; gạo Hàm Châu cũng tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg.
Giá tăng quá nhanh, nhà máy buộc phải giảm công suất, kéo giãn thời gian giao hàng để chờ giá mặt hàng này trên thị trường ổn định, vị giám đốc chia sẻ.
Tránh cú sốc giá trong nước
Liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước đẩy giá gạo, lúa tại thị trường nội địa tăng cao, tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, bộ đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo liên quan đến đảm bảo an ninh lương thực khi đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Với thị trường trong nước, Bộ trưởng cho rằng điều hành cần tránh những cú sốc giá. Bởi việc đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, thu nhập thấp.
Ông đề nghị các bên liên quan có thái độ bình tĩnh. Mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, chỉ phân tích một khía cạnh, một phía thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp thông tin, ngày nào ở ĐBSCL cũng xuống giống vì tại đây xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động, Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 20% diện tích lúa ĐBSCL nằm trong liên kết, 80% diện tích còn lại nông dân và thương lái mua bán tự do. Trong khi, giá lúa, gạo được quyết định bởi cung - cầu. Cầu tăng nhưng cung ít thì giá sẽ bị đẩy lên, đó là quy luật thị trường. Ngoài ra, ở nước ta giá lúa gạo còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khác như: vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ...
Thực tế có hiện tượng đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường, ông thừa nhận. Ngày 15/8, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước giai đoạn hiện nay. Trong đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm. Tổng cục Quản lý cùng Cục Xuất nhập khẩu triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với đơn vị theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Cục Phòng vệ thương mại triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng. Các vụ chức năng của Bộ Công Thương chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại để kịp thời phối hợp, triển khai các công tác điều tiết, điều hành, hỗ trợ cần thiết. Lương Bằng