'Vũ khí' ngoại giao độc đáo của Trung Quốc

Tin thế giới - Ngày đăng : 05:48, 16/08/2023

Ít người biết rằng, loài gấu trúc từng được Trung Quốc sử dụng làm công cụ ngoại giao từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.
Lời tòa soạn:

Việc tặng quà lẫn nhau là một nghi thức mang tính truyền thống lâu đời giữa các nguyên thủ quốc gia nhân những chuyến thăm viếng. Món quà được chọn thường mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó của quốc gia. Một trong những món quà luôn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế là động vật quý hiếm hoặc những con thú cưng.

Trong lịch sử, rất nhiều quốc gia đã chọn động vật làm quà tặng trong các nghi thức ngoại giao. Chẳng hạn như vào năm 1514 tại Bồ Đào Nha, vua Manuel I đã tặng cho Giáo hoàng Leo X một chú voi khổng lồ. Hay vào cuối thế kỷ 18, Tổng thống Mỹ John Quincy Adams được Hầu tước La Fayette của Pháp tặng một con cá sấu Nam Mỹ…

VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài về những món quà ngoại giao đặc biệt kiểu này trên thế giới cùng với ý nghĩa đặc biệt được các quốc gia gửi gắm phía sau.

Tuyến bài: Quà tặng ngoại giao “biết đi, biết chạy”

Bài 1: Những món quà ngoại giao kỳ lạ dành tặng các nguyên thủ thế giới

Bài 2: Tình yêu với những chú chó của Tổng thống Putin

‘Ngoại giao gấu trúc’ đã có từ lâu đời

Tư liệu cổ “Hoàng gia niên giám” của Nhật Bản chép rằng, hoạt động ngoại giao đầu tiên ở nước này có liên quan tới loài gấu trúc được ghi nhận vào năm 685, khi Võ Tắc Thiên tặng Nhật hoàng “một cặp gấu trắng và 70 tấm da gấu trắng làm quà”. Theo chuyên gia động vật Hồ Cẩm Xúc, những con “gấu trắng“ này chính là gấu trúc.

Một chú gấu trúc. Ảnh: Wikipedia

Tục sử dụng gấu trúc làm lễ vật từ đó cho tới thời nhà Thanh vẫn tiếp tục, khi chuyên gia nhân chủng kiêm khảo cổ học người Mỹ David Crockett Graham trong tác phẩm “Người và gấu trúc” đã ghi nhận việc các dân tộc thiểu số ở Tứ Xuyên và Tây Tạng thường xuyên cống nạp da gấu trúc cho triều đình.

Tới đầu thế kỷ 20, chính quyền Trung Quốc khi đó đã coi gấu trúc là ‘đại sứ hữu nghị’, và tặng một số quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh để thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau. Năm 1941, bà Tống Mỹ Linh từng tặng Mỹ một cặp gấu trúc để cảm ơn sự giúp đỡ đối với nhân dân Trung Quốc. Đây là sự kiện ngoại giao gấu trúc đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc.

Bà Tống Mỹ Linh (giữa) đưa cho chú gấu một cành trúc. Ảnh: zhihu.com

‘Ngoại giao gấu trúc’ thời hiện đại

Kể từ thập niên 1950, Trung Quốc tiếp tục truyền thống ‘ngoại giao gấu trúc’ thông qua việc gửi hàng chục cá thể gấu trúc tới các quốc gia Liên Xô, Triều Tiên, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Triều Tiên được cho là quốc gia nhận được nhiều gấu trúc nhất với tổng cộng 5 con.

Chú gấu trúc Linh Linh được Trung Quốc tặng cho Mỹ. Ảnh: Baidu

Năm 1984, Trung Quốc buộc phải thắt chặt việc sử dụng gấu trúc như một công cụ ngoại giao, khi môi trường tự nhiên dành cho loài vật này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài, khiến số cá thể gấu trúc ở Trung Quốc giảm mạnh.

Bắc Kinh khi đó đề ra chính sách cho các quốc gia khác thuê gấu trúc với thời hạn 10 năm. Chi phí thuê mỗi năm có thể lên tới 1 triệu USD, kèm theo điều kiện bắt buộc nếu cá thể gấu trúc sinh con trong thời gian cho thuê, thì chú gấu trúc con đó sẽ là tài sản của Trung Quốc.

Dù Trung Quốc đã thay đổi chính sách từ tặng sang cho thuê gấu trúc, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn vui vẻ chấp nhận điều này. Bởi với họ, gấu trúc là biểu tượng của quan hệ ngoại giao giữa những nước này với Trung Quốc.

Các bác sĩ Mỹ kiểm tra sức khỏe một chú gấu trúc non. Ảnh: Baidu

Cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5/2008 đã tuyên bố cho Tokyo mượn một cặp gấu trúc để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, và ông “coi đây là động thái nhằm tăng cường sự hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai nước”.

“Gấu trúc là loài vật được người dân Nhật Bản yêu thích, và chúng là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Tokyo”, trang China News dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào khi đó nói.

Bài 4: Món quà tặng ngoại giao đặc biệt được yêu thích của Mông Cổ