Ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1,5 - 2%

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:03, 15/08/2023

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi công văn đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu giảm lãi suất cho vay.

Tại văn bản này, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5% - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD trước ngày 25/8 phải gửi báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới giải ngân.

Trước ngày 8/1/2024 các TCTD phải gửi báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã và đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay trong những tháng gần đây khi liên tục công bố các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Tại Hội nghị cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 và định hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2023 của VietinBank, bà Phạm Thị Thanh Hoài - Thành viên HĐQT cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 số dư tín dụng được hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 12.000 tỷ đồng, với số tiền hỗ trợ hơn 130 tỷ đồng. Qua đó, VietinBank là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất trong nhóm cao nhất toàn hệ thống.

Bên cạnh nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, nhóm ngân hàng TMCP cũng liên tục công bố các chương trình ưu đãi lãi suất.  Ngân hàng LPBank cho biết chương trình ưu đãi lãi suất kéo dài đến 30/9 cho các khoản vay phục vụ SXKD và phát triển nông nghiệp, nông thôn với lãi suất từ 7,4%/năm áp dụng với khách hàng doanh nghiệp (giảm 1% so với lãi suất cho vay thông thường), và 9,2%/năm với khách hàng cá nhân (giảm 0,5% so với lãi suất cho vay thông thường).

Tại Sacombank, ngân hàng dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất. (Ảnh: TPB).

TPBank cũng công bố hạn mức gói vay 1.500 tỷ đồng với lãi suất từ 6,3%/năm kéo dài đến 31/10 năm nay dành cho khách hàng doanh nghiệp thuộc nhóm trọng tâm như xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông,…

Với đối tượng khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn kinh doanh, xây/sửa cơ sở kinh doanh, đầu tư tài sản cố định, TPBank tung ra gói tín dụng 6.000 tỷ đồng lãi suất 6,5%/năm.

TPBank cho biết kể từ đầu năm đến nay ngân hàng đã 8 lần liên tiếp hạ lãi suất cơ sở với tổng mức giảm lên đến 1,5% - 2,25%/năm áp dụng cho các khoản cho vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nhận định, khi lãi suất cho vay dễ chịu hơn, các quyết định đầu tư sẽ vững tâm hơn, từ đó tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ có tín hiệu khởi sắc và thị trường nói chung sẽ sôi động trở lại.

Mặc dù vậy, việc các ngân hàng liên tục công bố các gói tín dụng ưu đãi không đồng nghĩa với việc 100% khách hàng được vay vốn giá rẻ. Thậm chí, chia sẻ với VietNamNet có doanh nghiệp còn than họ phải bấm bụng trả lãi cao khi ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất nhưng không thông báo.

“Tôi vay hai khoản tại VietBank từ năm 2018 đến nay trong đó một khoản vay với tư cách cá nhân. Sau nhiều lần Chính phủ và NHNN yêu cầu giảm lãi suất, thế nhưng ngân hàng mới chỉ giảm từ 17%/năm xuống mức thấp nhất là 14%/năm (đối với khoản vay cá nhân) và 13,2%/năm (đối với khoản vay doanh nghiệp). Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua ngân hàng lại gửi thông báo mức lãi suất mới cao hơn đối với khoản vay cá nhân”, ông H.N.P, Giám đốc Công ty TNHH TM DV N-P (TP.HCM) chia sẻ.

So sánh mức lãi suất mà ông P và doanh nghiệp của ông phải trả trong 3 tháng gần nhất, lãi suất các khoản vay doanh nghiệp vẫn giữ nguyên 13,2%. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó lãi suất khoản vay cá nhân lại tăng thêm với mức tăng lên đến 1%.

“Họ tự tăng lãi suất chứ cũng không giải thích gì thêm với tôi”, ông H.N.P bức xúc.

Được biết, Công ty TNHH TM DV N-P của ông P là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cà phê. Đây là một trong những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực cà phê.