Làn sóng văn hóa châu Á chinh phục thế giới: 'Đón sóng đúng lúc, đúng thời cơ ra biển lớn'
Dòng chảy - Ngày đăng : 02:02, 13/08/2023
Liên tiếp những năm qua, các quốc gia châu Á được ghi nhận và tôn vinh tại các giải thưởng nghệ thuật nổi tiếng. Có thể kể tới như chiến thắng kỷ lục của bộ phim Everything Everywhere All at Once tại lễ trao giải Oscar 2023, hay trước đó là Kí sinh trùng tại Oscar 2019.
Nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc 3 lần được đề cử Grammy và được vinh dự biểu diễn tại Liên Hợp Quốc. Sự xuất hiện của nhóm nhạc BLACKPINK tại các sự kiện âm nhạc Âu Mỹ lớn… Có thể thấy, làn sóng văn hóa châu Á đã vượt khỏi phạm vi châu lục và lan tỏa trên thế giới.
Sự thành công của làn sóng châu Á không phải là điều ngẫu nhiên. Nó đến từ chiến lược của các quốc gia trong xây dựng công nghiệp văn hóa cũng như xuất khẩu văn hóa. Nhìn sang quốc gia láng giềng, Trung Quốc tham vọng xây dựng mục tiêu trở thành một quốc gia có nền công nghiệp văn hóa hàng đầu thế giới.
Đó không chỉ là xuất khẩu văn hóa mà khai thác thị trường nội địa khổng lồ cũng mang lại doanh thu khổng lồ cho các doanh nghiệp ngành văn hóa, nhất là lĩnh vực điện ảnh.
Lợi thế lớn nhất của Trung Quốc là có nhiều tập đoàn lớn, Chính phủ có những chính sách đầu tư, hỗ trợ mạnh cùng nhân sự và tài nguyên văn hóa phong phú. Thị trường các sản phẩm văn hóa mỗi năm của Trung Quốc tăng trưởng trên dưới 20%.
Hiệp hội Công nghiệp văn hóa Trung Quốc quy tụ các thành viên là quan chức Nhà nước, các trường đại học hàng đầu, các tập đoàn công nghệ, tập đoàn giải trí, nhà hát, ngân hàng để thực hiện mục tiêu nền công nghiệp văn hóa hàng đầu thế giới.
Các quốc gia châu Á khác cũng đang có chiến lược cụ thể để xuất khẩu văn hóa ra thế giới. Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan đều là những quốc gia có nền văn hóa được các nước ngoài khu vực biết đến rộng rãi.
Mỗi đất nước khai thác đường đi riêng của mình để có thể phát huy sức mạnh văn hóa quốc gia dân tộc ở cả ba vai trò, gồm phát triển con người, đóng góp trực tiếp vào GDP, kiến tạo nền kinh tế bền vững và quảng bá văn hóa quốc gia.
Có thể thấy, sự trỗi dậy của làn sóng châu Á trên thế giới là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham gia phát triển các lĩnh vực văn hóa thế mạnh, từ đó có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra thế giới. "Đón sóng" đúng lúc, đúng thời cơ sẽ giúp chúng ta ra biển lớn. Nhưng nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia, để đón sóng họ cũng phải có sự chuẩn bị và những chiến lược lâu dài. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ sự thành công này?
"Việc học hỏi nền công nghiệp văn hóa đã rất thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản là một trong những điều quan trọng. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những chiến lược quốc gia của chúng ta, không chỉ là về nhân sự, nguồn lực mà còn là cơ sở vật chất, đào tạo các thế hệ. Đây là một trong những trọng tâm phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, bởi điều này giúp Việt Nam phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và khiến mọi người quan tâm hơn đến văn hóa Việt", ông Nguyễn Quang Trường - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Việt Nam cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thị trường trong nước với tiềm năng phát triển lớn dựa trên quy mô dân số khoảng 100 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam là tiền đề cho sự phát triển. Những tiền đề này sẽ là lợi thế để đặt kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ góp phần trong làn sóng văn hóa châu Á thời gian tới.