Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ gián tiếp hủy hoại tương lai con

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:36, 12/08/2023

Với cách nuôi dạy này, trẻ có thể tiến bộ cực nhanh dưới sự khuyến khích của cha mẹ trong thời gian đầu. Nhưng sau đó, trẻ cực kỳ dễ mất động lực và từ đó rơi vào tình trạng sa sút.

"Mẹ, con muốn chơi game nửa tiếng, được không?" - "Chỉ cần làm xong bài tập về nhà trước, con muốn sao cũng được". Bạn có từng nghe hoặc trải qua những cuộc trò chuyện tương tự như thế không?

Để nâng cao hiệu quả học tập của con, nhiều cha mẹ luôn dùng những phương pháp để động viên, trong đó có kiểu “giao dịch”: “Nếu con thế này thì sẽ được thế kia”.

Chẳng hạn, sau khi làm bài tập về nhà, con có thể xem phim hoạt hình. Nếu đạt 10 điểm trong bài kiểm tra, con sẽ được thưởng chơi trò chơi. Nếu cải thiện điểm số, con có thể được thưởng một món đồ như mong muốn…

Theo thời gian, họ sẽ nhận thấy đứa trẻ dần dần không chịu học, không muốn học nếu không có phần thưởng, thậm chí còn đưa ra yêu cầu với phụ huynh về điều kiện này.

Trẻ hoàn toàn coi việc học là nhiệm vụ mà cha mẹ giao phó, không phải là việc mình phải hoàn thành.

Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ gián tiếp hủy hoại tương lai con-1

Rõ ràng là có thưởng, sao trẻ con vẫn không chịu học?

01. Tại sao học theo kiểu “giao dịch” không hiệu quả?

Trên thực tế, khi cha mẹ thường xuyên sử dụng "giao dịch lợi ích” để thỏa thuận, trẻ sẽ nghĩ rằng việc học không phải là công việc của mình và mất đi tính chủ động trong học tập.

Cuộc đời là một cuộc chạy marathon, và cha mẹ có cố gắng thì cũng chỉ có thể cùng con chạy nửa chặng đường.

Với cách nuôi dạy kiểu giao dịch, trẻ có thể tiến bộ cực nhanh dưới sự khuyến khích của cha mẹ trong thời gian đầu nhưng sau đó, những phần thưởng vật chất ấy ngày càng kém hấp dẫn. Trẻ cực kỳ dễ mất động lực và từ đó rơi vào tình trạng sa sút.

Nếu vậy, là cha mẹ, chẳng lẽ bạn không thể thưởng cho con mình sao? Tất nhiên là có, chỉ cần chú ý đến hình thức thưởng mà thôi.

Đối với trẻ em, phần thưởng tinh thần thường quan trọng hơn vật chất. Trẻ em mong được thưởng đồ chơi, nhưng nếu so sánh, điều chúng mong muốn hơn cả là tình yêu thương của cha mẹ.

Nếu cha mẹ luôn đề cao những phần thưởng vật chất, con cái sẽ lầm tưởng rằng điều cha mẹ thích chỉ là con đạt điểm xuất sắc chứ không phải con người thật của mình.

02. Muốn kích thích nội lực của trẻ phải làm tốt hai việc này

Có người nói, trên đời tất cả tình yêu đều dẫn đến đoàn tụ, nhưng chỉ có tình yêu của cha mẹ dành cho con cái mới dẫn đến chia ly.

Vì đã định sẵn là phải chia xa, nên tốt hơn hết là nên tạo cho đứa trẻ động lực phát triển bên trong, để trẻ trưởng thành tích cực trong cuộc sống và không ngừng tiến về phía trước.

Để kích thích động lực bên trong của trẻ, cha mẹ trước tiên phải chú ý đến việc khuyến khích và nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ. Nhưng động viên, khen ngợi cũng cần chú ý phương pháp, khen quá trình chứ không khen tài năng.

Ví dụ: “Gần đây con làm bài tập nghiêm túc hơn, thật tuyệt” - Thay vì “Con thông minh quá”.

Với sự khuyến khích của cha mẹ, trẻ sẽ tự tin hơn vào bản thân. Trong quá trình tiếp thu kiến thức, trẻ sẽ sẵn sàng học hỏi và có niềm vui thực sự khi tiến bộ về điểm số mang lại.

Thứ hai, cha mẹ hãy trao cho con đủ niềm tin. Lòng tin của cha mẹ giống như tia sáng trong sương mù, giúp con cái nhìn rõ tương lai.

Tác giả có sách bán chạy nhất người Mỹ Muxin từng nói: "Cha mẹ trước hết phải tiếp tục học hỏi và phát triển cùng con cái, học cách trao cho con quyền lựa chọn và để chúng tự quyết định".

Đó là những gì cô ấy đã làm với 3 đứa con của mình. Khi còn nhỏ, cô sẽ không can thiệp vào việc trẻ mặc gì và mua đồ chơi gì; khi lớn lên, cô sẽ chỉ đưa ra lời khuyên về kế hoạch học tập và lựa chọn cuộc sống của trẻ.

Vì sự tôn trọng và tin tưởng của mẹ, 3 đứa trẻ đã hình thành thói quen suy nghĩ độc lập, sau này được nhận vào những trường nổi tiếng và thành đạt trong sự nghiệp lớn. Cha mẹ tốt nên trở thành người hỗ trợ và chấp nhận trẻ, đồng thời tôn trọng suy nghĩ của chính đứa trẻ.

Trẻ con giống như một tờ giấy trắng và con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Khi cha mẹ mất niềm tin vào con sẽ khiến con đánh mất sự tự tin của bản thân. Không những thế, việc này còn khiến trẻ có suy nghĩ rằng con không thể làm được điều gì để bố mẹ tự hào.

Theo PNVN