Mỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:12, 10/08/2023
Theo sắc lệnh hành pháp ký ngày 9/8, người Mỹ bị cấm thực hiện một số “giao dịch nhất định” trong lĩnh vực bán dẫn, vi điện tử, lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI). Họ phải thông báo cho Bộ Tài chính khi thực hiện giao dịch như vậy.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi phải đối phó với “các nước gây lo ngại” đang phát triển nhanh chóng “công nghệ nhạy cảm”, có thể “cải thiện đáng kể năng lực tiến hành hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”.
Trung Quốc, Hồng Kông, Macao là những “nước gây lo ngại” xuất hiện trong sắc lệnh hành pháp, theo hãng tin Reuters. Bộ Tài chính sẽ thực hiện sắc lệnh hành pháp với sự tham vấn từ các cơ quan khác, bao gồm Bộ Thương mại, ngoài ra còn lấy phản hồi từ công chúng về việc thi hành.
Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính, sắc lệnh nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời duy trì cam kết đầu tư mở lâu dài. Bộ dự kiến sẽ miễn trừ một số “giao dịch nhất định, bao gồm những giao dịch tiềm năng trong các công cụ giao dịch công khai và chuyển nhượng nội bộ công ty từ công ty mẹ ở Mỹ sang các công ty con".
Sáng 10/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố chỉ trích Mỹ vì “đi chệch hướng nghiêm trọng đối với các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng mà họ liên tục thúc đẩy”.
Động thái của Washington có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định quản trị doanh nghiệp thông thường, phá hủy đơn hàng thương mại và kinh tế quốc tế, làm xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và kết nối công nghiệp toàn cầu, một nguồn tin ẩn danh của bộ đánh giá. Bộ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và tuyên bố có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết mà không giải thích gì thêm.
Reuters cho biết, ý tưởng sàng lọc các khoản đầu tư sang Trung Quốc đã được đưa ra trước đây. Đạo luật Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu bao gồm các điều khoản cho phép Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ quyền xem xét hoạt động đầu tư nước ngoài. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã vận động để loại bỏ điều khoản khỏi đạo luật.
Sắc lệnh được ký đúng vào kỷ niệm một năm ông Biden phê duyệt Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó có hạn chế đầu tư vào sản xuất bán dẫn tiên tiến tại Trung Quốc.
Việc hạn chế đầu tư vào Trung Quốc được dự đoán sẽ gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Mỹ đã ban hành một vài lệnh cấm xuất khẩu nhằm hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận chip AI và thiết bị sản xuất chip hiện đại.
(Theo Nikkei)