Sức thu hút du lịch vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam
Du lịch online - Ngày đăng : 15:09, 10/08/2023
Để đạt mục tiêu này, trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh, du lịch vùng sâu trong đất liền được cộng đồng du lịch quan tâm ngày càng nhiều hơn.
Khách du lịch đến Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Hữu Trung -TTXVN
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đánh giá, địa phương có tiềm năng lớn về biển đảo và du lịch vùng sâu trong đất liền nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Miền núi Quảng Nam trải dài dưới chân dãy Trường Sơn, với diện tích xấp xỉ 800 nghìn ha, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor. Vùng sâu trong đất liền Quảng Nam còn giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hệ sinh thái đa dạng, là nguồn tài nguyên quý giá cần được khai thác bền vững trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, các khu du lịch cộng đồng như làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), Làng Văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang), Làng Du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), Khu Du lịch đỉnh quế (huyện Tây Giang) thu hút mỗi năm hàng chục nghìn lượt khách là minh cứng rõ nhất về sức thu hút của du lịch vùng sâu trong đất liền. Gần đây, những sản phẩm du lịch như, du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng (Nam Trà My), sản phẩm du lịch dịch vụ Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động không chỉ tạo ra điểm nhấn mà còn có khả năng làm đòn bẩy cho du lịch cộng đồng phát triển.
Kỳ vọng Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch UBND huyện Trầm Quế Hương cho biết, trước khi thực hiện đề án, du lịch địa phương chỉ có sản phẩm duy nhất là Làng cổ Lộc Yên, với sự tham gia của một số ít hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay, huyện Tiên Phước lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình phát triển du lịch, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, huyện hỗ trợ vốn cho hàng trăm gia đình khôi phục và phát triển các làng nghề trồng cây ăn trái bản địa, khôi phục kiến trúc cổ, bảo vệ môi trường. Năm 2023, Tiên Phước đón hơn 7.000 lượt khách đến tham quan. Dấu ấn về du lịch cộng đồng ở làng quê Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng đã lan tỏa, được cộng đồng tích cực hưởng ứng.
Đông đảo khách du lịch đến với Cổng Trời Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Tĩnh-TTXVN
Tại Hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế giữa ba tỉnh, thành phố là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế tổ chức cuối tháng 7/2023, nhiều đại biểu có chung quan điểm: Trong thiết kế “Du lịch xanh - Kết nối và phát triển”, sản phẩm du lịch vùng sâu trong đất liền của mỗi địa phương cần được nhìn nhận một cách hợp lý, khai thác hiệu quả. Nhiều năm qua, sản phẩm du lịch vùng sâu trong đất liền chưa được quan tâm đúng mức. Muốn liên kết để phát triển du lịch vùng sâu trong đất liền, ngoài cơ sở hạ tầng, cộng đồng du lịch cần có sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, kết nối sản phẩm, ngược lại cộng đồng du lịch phải chia sẻ lợi ích với cộng đồng dân cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ, Quảng Nam ngoài du lịch biển đảo, tỉnh còn có tiềm năng lớn về du lịch vùng sâu trong đất liền. Các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên của vùng sâu trong đất liền rộng lớn đang từng bước được khai thác bền vững để xây dựng môi trường du lịch đảm bảo tính sinh thái, nhân văn và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở vùng sâu trong đất liền sẽ có vị trí xứng đáng trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh theo hướng kết nối và phát triển.
Đoàn Hữu Trung