'Của để dành' của nhiều đại gia bất ngờ hao hụt sau 6 tháng
Bất động sản - Ngày đăng : 12:57, 10/08/2023
Trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp bất động sản, khoản mục "người mua trả tiền trước ngắn hạn" được ví như "của để dành". Theo nguyên lý kế toán, tiền doanh nghiệp thu được từ khách hàng mua bất động sản tại các dự án nhưng chưa bàn giao sẽ được hạch toán vào đây.
Khoản tiền này sẽ được ghi nhận là doanh thu khi doanh nghiệp hoàn thành và bàn giao các bất động sản đã xây dựng cho khách hàng.
Thống kê của phóng viên Dân trí với 13 doanh nghiệp bất động sản lớn cho thấy biến động ngược chiều về số tiền thu được từ khách hàng trong bối cảnh thị trường bất động sản lao đao nữa đầu năm vừa qua.
Những ông lớn như Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes - mã chứng khoán: VHM), Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex - mã: BCM), Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) đều sụt giảm về tiền khách hàng trả trước so với hồi đầu năm.
Tại ngày 30/6, khoản mục này của Vinhomes ghi nhận 49.284 tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm. Tương tự, tiền khách hàng trả trước ngắn hạn của Becamex cũng giảm 13% so với đầu năm.
Điều này cũng không quá khó hiểu. Thời điểm cuối năm 2022, "của để dành" của Vinhomes ở mức 62.337 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cuối năm 2021.
Trong năm 2022, Vinhomes mở bán các đại dự án như Vinhomes Ocean Park 2, Vinhomes Ocean Park 3, The Crown hay Grand Park. Trong khi đó từ đầu năm đến nay, hoạt động mở bán mới chưa rầm rộ như năm ngoái.
Nếu xét về mức độ biến động, Công ty cổ phần Đầu tư Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) giảm mạnh nhất lên tới 84%. Thời điểm đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 1.239 tỷ đồng tiền khách hàng trả trước ngắn hạn. Nhưng đến cuối quý II vừa qua chỉ còn ghi nhận khoảng 196 tỷ đồng.
Nguyên nhân là công ty này không còn ghi nhận tiền trả trước từ Công ty TNHH Bất động sản Vega như hồi đầu năm.
Giống Phát Đạt, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) cũng giảm tới 52% so với hồi đầu năm. Thời điểm cuối năm 2022, công ty ghi nhận 750 tỷ đồng ở khoản mục này, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Xem xét chi tiết hơn, các dự án ghi nhận mức giảm về nhu cầu của khách hàng của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu ở phân khúc cao cấp và khu du lịch sinh thái.
Tuy nhiên cũng có bên có khoản mục này tăng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) ghi nhận 1.355 tỷ đồng từ khách hàng trả trước ngắn hạn, tăng 52% so với hồi đầu năm.
Thời điểm 31/12/2022, doanh nghiệp cũng ghi nhận 987 tỷ đồng từ khách hàng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên trong thuyết minh báo cáo tài chính, Khang Điền không ghi rõ nguồn thu đến từ những dự án nào.
Mặc dù được xem là tín hiệu tích cực nhưng để được ghi nhận doanh thu, doanh nghiệp buộc phải hoàn thành và bàn giao thành công sản phẩm tới khách hàng.
Vẫn có trường hợp doanh nghiệp bất động sản không bàn giao được dự án dù đã ghi nhận tiền khách hàng ứng trước. Do vậy, doanh nghiệp muốn hoàn thành dự án để biến khoản mục này thành doanh thu cũng cần có nguồn lực về tài chính trong bối cảnh tín dụng từ ngân hàng khó khăn như hiện nay.