Bài 2: Chuyện lạ trong ngôi miếu lưu giữ 30 bộ hài cốt
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:00, 11/08/2023
Những bộ hài cốt
'Trong số hơn 30 bộ hài cốt được lưu giữ trong miếu Cánh Đồng Hoang, có 2 bộ là bạn học cùng lớp với tôi. Họ là anh em ruột nhưng hoàn cảnh khá éo le', ông Sáu Huề dần nhớ lại.
Chuyện xảy ra cũng đã gần 30 năm rồi. Hồi đó, người anh bỏ học lêu lổng, chơi bời, nhậu nhẹt, cờ bạc, dẫn đến nợ của xã hội đen 2,8 triệu đồng. Thời điểm đó, số tiền này rất lớn nên anh ta bị truy nợ gắt gao.
Xem thêm: Bài 1: Bí mật trong ngôi miếu Cánh Đồng Hoang
Hũ cốt 2 anh em
Cha của anh biết chuyện la rầy quở trách rất nặng. Suy sụp tinh thần dẫn đến tuyệt vọng, anh quyết định tìm cái chết. Một buổi sáng nọ, những người trong miếu phát hiện anh treo cổ trên cành cây phía sau miếu. Thi thể anh được đưa xuống và an táng cạnh đó. Sau này, nơi anh nằm trở thành đất dự án. Người nhà lấy cốt và gửi nhờ tại miếu.
Người em gái của anh sau đó lấy chồng nhưng cuộc sống không hạnh phúc. Người chồng rất vũ phu, thường xuyên đánh chị đến 'thập tử nhất sinh'. Không chịu đựng nổi và cảm thấy cuộc sống không có lối thoát, chị tìm đến cái chết bằng độc dược. Cốt của hai anh em hiện được để bên nhau.
'Ngoài số đông hài cốt chết do tự tử, còn có những cốt chết vì bệnh như trường hợp người phụ nữ có chân dung rất đẹp. Chị tên là L.T.K.P, mất vì bệnh tại Củ Chi. Người nhà đem về đây thờ. Ở góc phải chân dung còn có hình một thanh niên là chồng của chị. Anh cũng đã mất. Cả 2 anh chị có một người con trai, năm nào cũng về đây quét dọn lau chùi cốt và cúng bái', ông Sáu Huề cho biết.
Miếu Năm Bà Ngũ Hành Hố Nhỏ
Ông kể tiếp: 'Có một câu chuyện chỉ qua lời đồn, một người dân trong khu vực đi ngang qua phát hiện một hũ hài cốt bỏ lăn lóc. Người này bưng lên cẩn thận đặt vào nơi để cốt trong miếu rồi đốt nhang khấn vái. Đêm về, người này được báo mộng bằng một dãy chữ số nên quyết định ghi lô. Không ngờ, trúng đậm. Tiếng đồn lan rộng, giới đề đóm khắp nơi tìm đến khiến cho khu vực đang hoang vu bỗng nhộn nhịp khác thường'.
Cũng từ đó có thêm nhiều người sắm xuồng ghe đưa khách sang sông kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chính nhờ có tiếng đồn như thế, khách từ các nơi kể cả miền Bắc miền Trung đều tìm về. Những người này đa số giàu có. Họ muốn giàu thêm nên cố xin cho được một con số rồi dồn tiền vào đánh.
'Một số lái đò cũng tham gia vào việc cầu cơ xin số. Lợi dụng lòng tin của khách, số tiền những lái đò này kiếm được không phải là ít. Nhưng rồi cũng tiêu tan hết...', ông Sáu Huề kể và thở dài.
Cần chấm dứt nạn xin số đề
Câu chuyện đến đây cũng vừa kịp lúc đò cập vào cầu của miếu Năm Bà Ngũ Hành Hố Nhỏ. Miếu có diện tích khá lớn. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Nhỏ (hay còn gọi là bà Hai Quì), 90 tuổi- người quản lý ngôi miếu này.
Bà Nhỏ cho biết, miếu có từ rất lâu. Khi xưa, miếu đơn sơ và ọp ẹp. Đến khoảng những năm 1950, bà phát hoang khu vực này. Sau đó mở rộng và xây dựng miếu khang trang như ngày nay. Hiện nay do tuổi đã cao bà không nghe được nhiều.
Anh Sáu Huề cho biết thêm, trước đây khách đến với miếu khá đông nhưng do cách ứng xử của bà không vừa lòng khách nên lượng người đến ít dần.
Bà Nguyễn Thị Nhỏ, 90 tuổi, người quản lý miếu
Đối diện với ngôi miếu bà Nhỏ đang quản lý là ngôi miếu bà Rạch Sư. Cả hai miếu đều nằm trong phần đất của xã Phong Phú (H. Bình Chánh). Miếu bà Rạch Sư đang trong giai đoạn nâng cấp sửa chữa. Bước vào trong, những tấm biển như 'Cấm tụ tập mê tín dị đoan' của công an xã Phong Phú hay bảng thông báo 'Cấm tụ tập ăn nhậu, cờ bạc, xin số đề trước đền thờ' của ban quản lý miếu cho thấy tình trạng xin số cầu cơ đã đến mức cần được cảnh báo.
Đặc biệt cũng dọc theo rạch Bà Tàng, ngôi miếu Ông Đại Càn có một thời đông nghẹt khách. Tại miếu này trước năm 1975 là nơi tiếp nhận tử thi. Những người chết được đưa đến đây để thân nhân nhận diện. Nếu tử thi không có người nhận sẽ được chôn tại chỗ. Chính vì điều này, khách đến cầu cơ xin số tại miếu rất đông.
Trời đã trưa, chúng tôi đã lần lượt vào thăm tất cả 6 miếu lớn nhỏ. Dư luận của bà con nơi đây đều tỏ ra không đồng tình với việc xin số - một hình thức cờ bạc ăn thua rất lớn. Nhiều người còn tiết lộ, 30 năm trước do có quá nhiều người đến xin số nên ông từ đình Bình Đông đã âm thầm xây dựng miếu Địa Mẫu cách đó không xa rồi giao cho con là Ba Gấu trông coi nhằm thu hút khách. Miếu Ba Gấu nay vẫn còn.
Biển cấm mê tín dị đoan
Ông Sáu Huề cập đò vào bờ. Tâm sự với chúng tôi, ông nói, nhiều lúc gặp khách thua nặng ông đành cho họ đi không lấy tiền. Cũng gặp nhiều người trúng lớn, ông có lời khuyên nên xa lánh cuộc chơi, tạo dựng đời sống lành mạnh hơn. 'Nhưng rồi lòng tham của con người lớn quá, không ai nghe mình cả anh ơi'.
Hiện nay khách đến cầu số đã bớt đi nhiều. Tuy nhiên, chính quyền quận 8 và huyện Bình Chánh cũng cần có biện pháp nhằm chấm dứt vĩnh viễn hiện tượng này, đem lại trang nghiêm cho chốn linh thiêng.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 10/07/2019
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/bi-an-cai-chet-cua-nguoi-phu-nu-dep-trong-ngoi-mieu-o-sai-gon-548127.html?fbclid=