3 tật xấu của trẻ cha mẹ cần sớm uốn nắn để con có tương lai tươi sáng hơn
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 11:25, 10/08/2023
Trẻ em cần được chăm sóc và quan tâm để phát triển. Nhưng đôi khi, cha mẹ cưng chiều con quá mức, muốn thỏa mãn con vô điều kiện, con muốn sao trên trời, cha mẹ cũng sẽ tìm mọi cách để hái được. Cách nuôi dạy con như vậy chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề, điều này không phải vì lợi ích của con cái mà là làm hại trẻ.
Ảnh minh họa
Cha mẹ nuông chiều thái quá có thể khiến trẻ hình thành tính cách ích kỷ, không biết nghe lời và có nhiều hành vi tiêu cực. Nếu trẻ có 3 dấu hiệu này, chứng tỏ bạn đang mắc phải sai lầm trong việc nuôi dạy con:
Một, trẻ luôn mất bình tĩnh dù ở hoàn cảnh nào
Tiểu Vương - một bà mẹ ở Trung Quốc đưa con gái năm tuổi đến dự đám cưới của một người bạn cùng lớp. Vừa ngồi vào bàn ăn, cô bé đã định nghịch điện thoại, khi được mẹ nhắc nhở phải tập trung ăn rồi mới chơi, bé òa khóc, dỗ mãi không được. Sau khi đám cưới kết thúc, Tiểu Vương muốn lấy lại điện thoại nhưng đứa trẻ không chịu nghe lời mà cứ nằm lăn ra đất. Bà mẹ vừa xấu hổ vừa tức giận, không biết phải làm sao.
Trên thực tế, con gái Tiểu Vương sở dĩ dám khóc lóc, làm bậy là bởi vì biết tính khí và điểm yếu của mẹ, đó là sẽ không từ chối con cái ở nơi công cộng. Tính khí xấu của cô bé cứ như vậy không ngừng tăng lên.
Nếu cha mẹ thấy con quấy khóc, làm ầm ĩ bất kể lúc nào, thì hãy nhìn lại bản thân, liệu phương pháp giáo dục của mình có sai không? Cần phải sửa chữa kịp thời, nếu không khi lớn lên thì đã quá muộn.
Thứ hai, quen sai bảo người lớn
Có rất nhiều đứa trẻ đã hình thành những thói hư tật xấu do được cha mẹ nuông chiều quá mức, luôn muốn người khác làm mọi thứ cho mình. Ví dụ, yêu cầu ông bà mang cặp đi học, đi giày và cho ăn dù vẫn tự làm được. Đây là những thói quen xấu. Theo thời gian, trẻ chỉ biết đòi hỏi và không coi trọng những gì được nhận.
Những đứa trẻ như vậy không chỉ lười biếng mà còn không biết tôn trọng người lớn tuổi, khi lớn lên sẽ khó có hiếu. Một đứa trẻ ích kỷ sẽ lớn lên trong cô độc, thiếu vắng bạn bè, khó khăn khi hòa nhập vào xã hội... và còn nhiều hệ lụy khác nữa. Quan trọng nhất là đứa trẻ đó đã vô tình khước từ sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xung quanh.
Nhiều phụ huynh thường cho rằng việc để con trẻ tự làm sẽ khiến cho mọi thứ trở nên bừa bộn hơn. Quan điểm sai lầm này sẽ khiến cho trẻ khó có thể tự lập trong cuộc sống sau này và dễ bị tự ti hoặc chậm chạp trước mọi việc.
Hãy tin tưởng, kiên nhẫn, động viên để các bé có động lực phấn đấu và làm tốt hơn công việc được giao. Và chính trong quá trình làm những công việc tưởng như là vụn vặt này, trẻ sẽ rèn được tính độc lập, sự kiên nhẫn, cách giải quyết vấn đề. Đồng thời, qua đó trẻ cũng nhận ra được bài học về trách nhiệm và lòng biết ơn.
Ba, thích ra điều kiện khi làm việc
Có nhiều đứa trẻ luôn thích ra điều kiện với bố mẹ, ví dụ như bố không mua kem cho con thì con không ăn cơm. Nếu không mua đồ chơi, con sẽ không đi học.
Đôi khi, cha mẹ sẽ thưởng cho con cái một số phần thưởng vật chất để rèn luyện con cái, nhưng không nên để con có thói quen dọa dẫm bằng cách gây ra những rắc rối không đáng có.
Sự giáo dục của cha mẹ giống như việc xây đập trên sông. Mục đích để dòng sông không nổi sóng lớn khi mất kiểm soát, giúp con có thể chảy xa thêm cho đến khi hòa được vào biển lớn. Hãy đưa ra những phép tắc gia đình càng sớm càng tốt.
Đừng nghĩ trẻ còn nhỏ tuổi chưa thể quen được, bởi nếu giáo dục muộn sau này muốn kiểm soát cũng bất khả thi. Sẽ rất khó để dạy trẻ hiểu các quy tắc gia đình ngay từ khi còn nhỏ nhưng không thể không thực hiện. Những quy tắc này góp phần tạo nên nhân cách của trẻ sau này, giúp trẻ trở thành một người văn minh, lịch sự và sống có ích.
Theo Phụ nữ Việt Nam