Về Vườn Quốc gia Phước Bình nghe chuyện chàng bò tót si tình

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 20:02, 09/08/2023

Chàng bò tót cao khoảng 1,7m, nặng hơn 1 tấn, đen trùi trũi đã đánh bại bò đực nhà, trở thành “soái ca” giữa hàng trăm nàng bò dưới chân núi Tà Niên (Ninh Thuận).

Chuyện chàng bò tót rừng mê mẩn nàng bò nhà

Buổi sáng, VQG Phước Bình chìm trong màn sương bảng lảng. Những tia nắng đầu ngày len lỏi qua kẽ lá, xa xa là dãy núi điệp trùng bất tận với những ngôi nhà đơn sơ của đồng bào Raglai, tạo một bức tranh yên bình mà có lẽ chẳng bao giờ thấy ở nơi phố thị.

vuon-qg-phuoc-binh-23385259.jpg

VQG Phước Bình, nơi giao thoa 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa.

Theo những người Raglai địa phương, đây là nơi mỗi khi con gà rừng cất tiếng gáy, cả 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa đều nghe thấy.

Trong trại chăm sóc bò tót, anh Nguyễn Anh Tuấn (51 tuổi), cán bộ Vườn Quốc gia trong bộ đồ bảo hộ đã bắt đầu ngày mới của mình. Nay là cuối tuần, anh ở lại trực nên tranh thủ đi thăm thú, thăm rừng trước khi mặt trời lên cao rực rỡ.

Nụ cười hiền, nước da rám nắng, anh Tuấn bảo, nói vậy cho vui chứ dậy sớm ngắm đàn bò tót rời chuồng và vào nhà trồng nấm quế linh chi ngắm những mầm nấm mới nhú đã là thú vui khi bắt đầu ngày mới của anh.

Hướng ánh mắt về đàn bò tót đang nhởn nhơ gặm cỏ, anh Tuấn cho biết, điểm nhấn đặc biệt ở VQG Phước Bình so với các khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước chính là đàn bò tót lai 12 con, gồm 10 con F1, 1 con F2 và 1 con F3 đang sinh sống. Đây chính là đàn bò tót lai nổi tiếng khắp cả nước và hiện đang được nuôi thả bán hoang dã tại vườn thực vật thuộc quản lý của VQG Phước Bình.

Câu chuyện về chú bò tót rừng mà người dân Phan Rang ví là “ông tổ mê gái” bởi đã dám tách đàn để đi chinh phục các nàng bò nhà, và sự ra đời của những chú bò tót lai được người dân truyền tai nhau từ nhiều năm trước.

Về Vườn Quốc gia Phước Bình nghe chuyện chàng bò tót si tình - 2

Chuyện kể rằng, khoảng tháng 9/2008, dưới chân núi Tà Niên (xã Phước Bình, huyện Bác Ái) bỗng xuất hiện chàng bò tót hoang dã và hung dữ.

Chàng cao khoảng 1,7 m, dài hơn 2 m, nặng hơn 1 tấn, thân mình đen trùi trũi, từng khối cơ nổi lên, bốn chân trắng toát và đặc biệt là bò tót rừng không có cục u trên lưng như bò nhà mà có hẳn một sống cơ nổi lên chạy dài dọc sống lưng.

Ngay lần đầu xuất hiện chàng đã húc bị thương 3 người, phá nát gần 20 ha rẫy bắp, đậu của bà con, hung hăng kéo sụp chòi canh khiến nhiều người hoảng sợ. Bà con chỉ dám lên rẫy vào ban ngày; đến khi mặt trời sắp khuất núi thì vội vã trở về nhà để tránh bị bò tót tấn công.

Không những thế, ngay trong đêm đầu tiên từ rừng về làng, nó đã tìm đến con bò đực to nhất làng Bạc Rây 2 ven rừng và dùng sừng múc lủng ngực chú bò đực. Kể từ đó, toàn bộ đàn bò cái đang kiếm cỏ ven bìa rừng đều thuộc quyền “kiểm soát” của chàng vì không có bò đực nào trong làng dám bén mảng.

Những buổi chiều trời đẹp, chàng lại về làng, rong đuổi theo những ả bò nhà ở khu vực nương rẫy của bà con Raglai dưới chân núi Tà Niên, hay khu vực đồng cỏ, suối nước ven rừng như một kẻ si tình.

Có người còn gọi nó là "con bò tót phong lưu". Là bò rừng, nhưng không hiểu sao lại si mê các em bò nhà, bỏ bầy đàn, bỏ rừng sâu về đến bìa rừng tìm cách ve vãn các ả bò nhà nhỏ bé, trọng lượng, kích cỡ chỉ bằng 1/3 hay 1/4 cơ thể đồ sộ của nó.

Có những lúc, bò tót theo bò cái về tận thôn khiến nhiều người khiếp vía, phải sang thôn khác ngủ nhờ.

Theo lời người dân, bò tót rừng có nhu cầu tình dục rất cao nhưng đặc biệt chỉ “yêu” mỗi “nàng” bò 1 lần duy nhất nhưng lại rất đắm say nên luôn khiến các nàng bò nhà chết mê chết mệt.

Kết quả những cuộc tình của chàng bò rừng cường tráng đa tình và các nàng bò nhà duyên dáng lụy tình, đã cho ra đời khoảng 20 chú bò tót lai F1 vượt trội về thể trọng và có các đặc điểm về màu lông, sừng... rất giống “bố”.

Về Vườn Quốc gia Phước Bình nghe chuyện chàng bò tót si tình - 3

Điều khiến người dân địa phương ngạc nhiên, dù bản tính hoang dã, nhưng khi những nàng bò trở dạ, sinh con, họ phát hiện bóng dáng anh chàng ẩn hiện gần đó như thể muốn chia sẻ cùng các nàng lúc vượt cạn.

Sống vì tình, chết cũng lụy tình. Chàng bò tót cường tráng của rừng xanh sau mấy năm khuấy động những cô bò nhà cũng không thể vượt qua tuổi già, sức yếu, bỏ mạng ở cánh rừng giáp ranh.

Ngày 8/3/2015, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã đến thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái khám nghiệm hiện trường, làm đầy đủ thủ tục pháp lý, khai tử con bò tót đực duy nhất giao phối với đàn bò nhà. Trong thời gian 6 năm sống chung với bò nhà, các nhà khoa học xác định bò tót đực đã giao phối với hơn 20 bò cái nhà, sinh ra hơn 20 bò con lai (F1) gồm cả đực lẫn cái.

Núi rừng là sự sống

Dưới tia nắng đầu ngày, đàn bò tót béo múp, đôi sừng cong vút bóng loáng, dũng mãnh giương ánh mắt dè chừng về phía chúng tôi.

Mặc dù “cha rừng, mẹ nhà” nhưng những chú bò tót này vẫn đầy chất hoang dã bẩm sinh. Phát hiện người lạ đến gần hàng rào, từ xa chúng đã chĩa cặp sừng, mắt căng nhìn về hướng chúng tôi trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến.

Về Vườn Quốc gia Phước Bình nghe chuyện chàng bò tót si tình - 4

Anh Tuấn tiếp tục câu chuyện, sau khi chàng bò tót si tình chết, để duy trì và phát triển nguồn gen quý hiếm, đầu năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thống nhất mua lại 10 con bò tót lai của người dân, với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng.

Giai đoạn 2012 - 2015, sau khi phát hiện bò tót rừng và bò nhà có thể "yêu nhau", VQG Phước Bình phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng thực hiện đề tài Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng với đánh giá khả quan về triển vọng phát triển nguồn gen quý.

Tiếp theo đó, đề tài cấp nhà nước Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa được triển khai, cuối năm 2015. Đến tháng 6/2019 thì kết thúc đề tài.

Tháng 10/2020, dư luận cả nước bức xúc trước thông tin đàn bò tót 11 con do Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng quản lý và nuôi nhốt tại thôn Bạc Rây 2, chỉ được ăn rơm khô trong thời gian dài dẫn đến suy kiệt, gầy trơ xương.

Về Vườn Quốc gia Phước Bình nghe chuyện chàng bò tót si tình - 5

Đến tháng 10/2020, đàn bò được bàn giao lại cho VQG Phước Bình quản lý và chăm sóc. Thời điểm bàn giao, đàn bò tót lai gồm 10 con bò tót lai F1 (5 con đực, 5 con cái) và 1 con bò tót lai F2 giống cái.

Đến cuối tháng 12/2020, bò tót F2 tiếp tục sinh con là thế hệ F3. Từ tháng 6/2021 đến nay, đàn bò tót đã được di chuyển về nơi ở mới trong khuôn viên rộng lớn khoảng 5 ha, trong phạm vi rừng thực vật thuộc quản lý của VQG Phước Bình.

Tại đây, phương pháp nuôi dưỡng mới không chỉ giúp đàn bò tăng trọng đều đặn mà còn khôi phục đặc tính vốn có và có thể sinh sản.

Thức ăn tinh, thức ăn tươi, rơm và muối khoáng… là thực đơn ăn 2 bữa mỗi ngày của đàn bò tót lai. Những con có thể trạng yếu còn được tách đàn, theo dõi và thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt.

Không nuôi nhốt trong khuôn viên tù túng, đàn bò tót được chăn thả dưới tán rừng, ban đêm chúng vào chuồng có mái che nghỉ.

Khi được trả về không gian sống trong môi trường tự nhiên, chúng dần "hồi sinh", con nào cũng nhanh nhẹn, thay da đổi thịt từng ngày, da căng và lông bóng mượt, linh hoạt thấy rõ.

Đặc biệt, không gian sống bán hoang dã giúp các hậu duệ bò tót rừng này được trở về với thiên nhiên, sống theo bản năng của cha ông chúng mà không bỏ nhà, bỏ làng.

Về Vườn Quốc gia Phước Bình nghe chuyện chàng bò tót si tình - 6

Trong số những con bò tót cao to, có vài con bò nhà nhỏ nhắn, anh Phan Trung (Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường VQG Phước Bình) cho biết, đó là những “cô” bò nhà, được Ban quản lý thả vào sống chung nhằm mục đích làm “bạn tình” cho những chàng bò tót.

Anh Trung cho biết thêm, ưu điểm của bò tót lai là rất khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt có thể to gấp 3 lần so với bò nhà cùng lứa tuổi. Chúng ăn rất tốt, thức ăn chủ yếu là cỏ xanh, các loài thân cây khác như ngô (bắp) mía...

Giữa đại ngàn, chúng tôi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt tràn đầy hy vọng của những cán bộ VQG Phước Bình, bỗng nhớ câu nói của đồng bào Raglai, dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là "Núi rừng là sự sống!".

Bò tót rừng tên khoa học Bos gaurus, trưởng thành cao đến 1,9 m, nặng 800 -  1.000kg, chân trắng, mình đen, hung dữ chỉ đứng sau loài hổ. Các chuyên gia động vật học thế giới đã công nhận loài bò tót Việt Nam là một trong những loài bò tự nhiên to nhất thế giới.

Bò tót hoang dã là loài có nguy cơ tuyệt chủng đã được đưa vào sách đỏ IUCN từ năm 1986. Chúng mang nhiều đặc tính quý như tầm vóc lớn, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt…, được coi là một nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn và có thể phát triển để phục vụ nhân giống.