Núi nứt đe dọa sập ở Nghệ An, hàng trăm hộ dân sống trong sợ hãi
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:43, 09/08/2023
Vết nứt xuất hiện và càng ngày càng có dấu hiệu lan rộng khiến chính quyền xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An) và hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi bất an, lo lắng khi mùa mưa đến.
Hai ngọn núi có tên Rú Rày và Rú Rậm ở xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) nhiều năm trước bất ngờ xuất hiện vết nứt kéo dài cả trăm mét, chạy theo hình vòng cung triền núi. Nhiều năm qua, lượng lớn đất đá đã sạt lở xuống khiến người dân sống dưới chân núi luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ.
Hai ngọn núi Rú Rày, Rú Rậm có diện tích khoảng 5 hecta nằm trên địa phận của 3 xóm: 3,4,5. Dưới chân núi là hơn 500 hộ dân với khoảng 2,5 nghìn nhân khẩu của 3 xóm đang sinh sống.
Nhiều năm trước, trên 2 ngọn núi Rú Rày, Rú Rậm xuất hiện vết nứt vòng cung kéo dài cả trăm mét, đe dọa sập xuống những hộ dân dưới chân núi.
Qua kiểm tra cho thấy, vết nứt trên núi có đoạn rộng khoảng 40cm, sâu khoảng 50cm. Thời gian gần đây, vết nứt có dấu hiệu kéo dài và lan rộng ra thêm, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến, một lượng lớn đất đá trên 2 ngọn núi này lại sạt lở tràn xuống khu vực nhà dân.
Năm 2022, sau trận mưa lớn kéo dài, đất đá, cây từ trên núi sạt lở xuống đã đập thẳng vào khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Loan (trú xóm 3, xã Hưng Yên Nam) khiến phần mái bị vỡ nát. May mắn, đất đá, cây cối đã không lăn xuống căn nhà cạnh bên khi đang có 5 người sinh sống bên trong.
Phía trên núi đất đá có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. Nhiều cây cối bị sạt lở đất chỉ còn rễ trơ trọi. Một số cây bị sạt lở xuống lưng chừng. Chỉ chờ cơn mưa lớn, những phần đất đá này sẽ tiếp tục trôi xuống nhà dân phía dưới.
Căn nhà của anh Nguyễn Văn Tài (32 tuổi) mới xây nằm ngay dưới chân Rú Rậm. Những đợt mưa vừa qua, đất đá từ trên núi đã có dấu hiệu sạt xuống một ít ngay cạnh nhà anh Tài. Sắp đến mùa mưa, anh Tài bắt đầu cảm thấy lo sợ đất đá tiếp tục sạt lở từ trên núi xuống sẽ rất nguy hiểm.
Ông Lê Đình Tính (58 tuổi, trú xóm 5, xã Hưng Yên Nam) cho hay, những năm qua đất đá trên núi liên tục sạt lở xuống phía dưới. Trong vườn nhà ông vẫn còn nhiều tảng đá lớn do các vụ sạt lở núi lăn xuống.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Anh Nam - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết, khu vực Rú Rày, Rú Rậm trong những năm qua liên tục sạt lở khiến chính quyền xã và người dân lo lắng. Qua khảo sát thống kê cho thấy, có khoảng 30 hộ nằm ngay dưới chân núi có nguy cơ cao thường xuyên bị ảnh hưởng từ các đợt sạt lở đất đá trên núi xuống. Để hạn chế tình trạng sạt lở đất đá trôi xuống vườn, nhà dân, nhiều năm trước cơ quan chức năng đã cho làm một dãy kè đá cao hơn 2m chạy quanh dưới chân núi. Tuy nhiên, nếu đất đá sạt lở nhiều thì kè đá này không thể đảm bảo an toàn.
Kè đá được cơ quan chức năng làm từ nhiều năm trước và hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu đứt, đất đá sạt lở ùn khiến kè đá xiêu vẹo.
Để đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân dưới chân Rú Rày, Rú Rậm, năm 2021 huyện Hưng Nguyên đã lên kế hoạch triển khai dự án chống sạt lở. Theo phương án dự tính, phía cơ quan chức năng sẽ múc bớt phần đất trên đỉnh núi tránh sạt lở sau đó trồng cây tạo gắn kết đất và cảnh quan. Tuy nhiên sau 2 năm, dự án này vẫn chưa thể triển khai.
Chủ tịch xã Hưng Yên Nam chia sẻ thêm: "Ban đầu người dân đồng tình với dự án này. Dự án triển khai sẽ đảm bảo an toàn cho người dân lâu dài, tránh tình trạng sạt lở đất đá trên núi xuống. Tuy nhiên sau đó người dân lại nhất quyết không đồng tình, nên dự án chưa thể triển khai".
Chủ tịch xã Hưng Yên Nam cho biết thêm, nhiều năm qua cứ mỗi lần mưa lớn kéo dài, chính quyền xã lại cắt cử 20 cán bộ, dân quân tự vệ túc trực 24/24 tại các xóm dưới chân Rú Rày, Rú Rậm để theo dõi tình hình sạt lở. Nếu có dấu hiệu sạt lở, tổ trực này sẽ lập tức di dời các hộ dân dưới chân núi đến nơi an toàn. "Năm nào cũng thế, cứ mấy ngày mưa lớn thì xã lại cắt cử cán bộ túc trực 24/24 đến khi hết mưa thì mới thôi. Lo lắng lắm, vì sự an toàn của người dân. Mong sao dự án chống sạt lở sớm được triển khai để đảm bảo an toàn", ông Nam nói.
Mùa mưa sắp tới, hàng trăm hộ dân, chính quyền xã lại tiếp tục sống trong lo sợ khi hàng trăm nghìn khối đất đá đang "treo lơ lửng" chờ chực đổ sập xuống bất cứ lúc nào.