Phát hiện hóa thạch trứng chim hồng hạc 12.000 năm tuổi

Khoa học - Ngày đăng : 00:07, 09/08/2023

Một quả trứng chim hồng hạc hóa thạch hàng nghìn năm tuổi được tìm thấy ở gần công trường xây dựng Sân bay Quốc tế Felipe Ángeles ở Santa Lucía, Mexico.

Theo ghi nhận, đây mới chỉ là trường hợp thứ hai từng được ghi nhận trên thế giới. Đặc biệt, là lần đầu tiên nó xuất hiện tại châu Mỹ.

Trước phát hiện này, ghi chép duy nhất về trứng chim hồng hạc hóa thạch trên thế giới là một tổ gồm 5 quả được tìm thấy ở Tây Ban Nha có niên đại từ 23-15 triệu năm trước.

trung-chim-hoa-thach-7383-1691229813.jpg
Trứng chim hồng hạc hóa thạch ở Mexico. Ảnh: José Alberto Cruz Silva/INAH

Hóa thạch trứng chim hồng hạc gần đây có chiều dài 93,491 mm và rộng 55,791 mm, các hoa văn trên lớp vỏ vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Dựa vào dữ liệu phân tích, chúng có thể có niên đại từ 12.000 đến 8.000 năm trước. Khả năng cao từng tồn tại từ cuối thế Pleistocene hoặc đầu thế Holocene.

Bất kỳ hóa thạch nào từ thế Pleistocene ở Bắc và Nam Mỹ đều vô cùng quý hiếm. Khác với các hóa thạch trứng của hải âu, bồ nông và sếu tuyệt chủng từng được phát hiện rải rác ở khu vực Châu Mỹ, thì hóa thạch hồng hạc chỉ giới hạn ở những hồ nước cổ xưa tại Trung Mexico.

z4585324875474_09794d9bf224d4704d087fe80efa322f.jpg

Trứng ở Mexico được tìm thấy tại một hồ nước cổ được gọi là Xaltocan, hiện đã biến mất. Các nhà nghiên cứu tin rằng hồ Xaltocan có độ mặn và độ kiềm cao tại thời điểm đó. Đây là những điều kiện lý tưởng để chim hồng hạc sinh sống và tiêu thụ tảo spirulina, cũng như các động vật không xương sống nhỏ khác.

Các nhà khoa học INAH sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về quả trứng hóa thạch để xác định mối quan hệ của nó với các loài chim hồng hạc còn sống và đã tuyệt chủng.

Ngọc Lý (T/H)