Người đàn ông bị bắt oan 38 năm trước: 'Hàng ngày tôi phải đi ăn xin'
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:00, 08/08/2023
Ngày 8/8, ông Trịnh Dân Cường (67 tuổi) đã kháng cáo bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng.
Gia đình tan nát
Trước đó, sau thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND quận 6 (TPHCM) đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường oan sai giữa nguyên đơn là ông Trịnh Dân Cường (67 tuổi) và bị đơn là VKSND quận 6.
Lý do đình chỉ được tòa đưa ra là những tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Cường chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017. Không đồng ý với phán quyết trên, ông Cường kháng cáo, yêu cầu tòa án cấp trên hủy bỏ quyết định của TAND quận 6.
Trong đơn kháng cáo, ông Cường cho rằng trong quyết định đình chỉ vụ án chỉ nói không đủ điều kiện nhưng không nói rõ cần bổ sung gì. Quá trình thụ lý, người đàn ông này nói mình không nhận được thông báo bổ sung tài liệu nào nên lý do đình chỉ trên là không phù hợp với quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ gây oan sai, 4 cán bộ công an và kiểm sát viên bị xử lý hình sự. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Đô bị tuyên 5 năm tù về tội Bắt, giữ, giam người trái pháp luật.
Bản án của tòa cũng xác định, ông Cường và 2 người anh là bị hại trong vụ việc.
"Việc mang thân phận bị can hơn 30 năm qua khiến gia đình tôi tan cửa nát nhà. Rơi vào cảnh nhục nhã nên vợ đã bỏ tôi, con không nhìn vì cho rằng tôi tội phạm.
Trong những năm 90, tôi không nơi nương tựa, không gia đình. Hàng ngày tôi lân la ở các ngã tư, công viên để xin ăn. Sau này, tôi xin quy y ở một ngôi chùa để được ăn cơm từ thiện, sống nhờ tình thương và sự giúp đỡ của xã hội", ông Cường nêu trong đơn.
Hành trình đi tìm công lý đầy gian nan
Theo hồ sơ vụ án, khuya 27/2/1985, Công an quận 6 nhận được trình báo về việc mất trộm vàng tại một căn nhà trên đường Bãi Sậy, phường 7. Hôm sau, Công an quận 6 bắt giữ 3 người tình nghi là ông Trịnh Dân Cường, ông Hồ Văn Được (anh vợ ông Cường) và ông Trần Đức Ẩn (anh cột chèo ông Cường).
Trong đơn khởi kiện, ông Cường cho rằng quá trình điều tra, 3 người (ông Cường, ông Được, ông Ẩn) đều kêu oan, không thừa nhận hành vi.
Đêm 8/4/1985, ông Được tự tử tại Trại tạm giam Chí Hòa. Lúc này việc tạm giam đối với những người bị tình nghi vẫn chưa được VKS phê chuẩn.
Hơn 2 tháng bị tạm giam, quá trình điều tra không có kết quả do không tìm được chứng cứ buộc tội. Để hợp thức hóa việc bắt người trái pháp luật, ông Nguyễn Hữu Đô (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 6) đã chỉ đạo một số cán bộ viết lệnh tạm giam và quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 9/3/1985 (lùi lại 1 tháng trước ngày ông Được chết). Các quyết định liên quan được VKSND quận 6 phê chuẩn.
Sau đó, VKSND quận 6 kết luận không có chứng cứ buộc tội nên ông Cường và ông Ẩn được trả tự do từ ngày 23/8/1985. Tuy nhiên, đến ngày 19/9/1985, Công an quận 6 mới thả ông Ẩn.
Riêng ông Cường bị chuyển lên Trại giam Tống Lê Chân (Bình Dương) cải tạo tập trung. Bà Đồng Thị Ba (mẹ vợ ông Cường) làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố về việc 3 người con bị bắt oan.
Ngày 3/12/1986, Công an TPHCM ra quyết định trả tự do cho ông Cường với lý do không liên quan vụ trộm vàng xảy ra trên đường Bãi Sậy.
Được trả tự do, ông Cường gửi nhiều đơn thư khiếu nại đến cơ quan chức năng nhưng chỉ nhận được phiếu chuyển đơn. Sau đó, ông Cường làm đơn khởi kiện VKSND quận 6 ra TAND quận 6. Do vụ án kéo dài, thời gian đã lâu, không được nhận các tài liệu, chứng cứ liên quan để nộp nên tòa không thụ lý.
Năm 2018, ông Cường tiếp tục làm đơn gửi đến Công an quận 6, VKSND quận 6 yêu cầu đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can nhưng chưa được giải quyết.
Tiếp đó, ông Cường gửi đơn đến VKSND quận 6, yêu cầu bồi thường oan sai và phục hồi danh dự. Chưa nhận được phản hồi, ông lại gửi đơn kiện đến TAND quận 6 cùng tài liệu mới thu thập được và được cơ quan này thụ lý.