9.000 giáo viên bỏ nghề: Nỗi lòng ít ai tỏ sau lá đơn xin nghỉ việc
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 14:16, 08/08/2023
Nhiều ý kiến thắc mắc, lương, phụ cấp nhà giáo đã tăng, tại sao vẫn còn cảnh giáo viên bỏ ngành? Thực tế, đằng sau lá đơn xin nghỉ việc của họ là bao trăn trở, có cả giọt nước mắt của những thầy cô cực chẳng đã vì cơm áo gạo tiền mà đành dứt áo ra đi "ít ai thấu tỏ".
Mong sống được bằng lương
"Bao giờ giáo viên mới có thể sống ổn bằng lương?" - câu hỏi khiến cô Ngọc Ánh (36 tuổi) trăn trở mỗi đêm suốt nhiều năm qua. Hơn 14 năm công tác tại một trường mầm non ở huyện Quốc Oai, Hà Nội nhưng lương và phụ cấp cô thực lĩnh mỗi tháng là 6,7 triệu đồng.
Cô Ánh nhớ lại, đồng lương giáo viên hợp đồng ngày mới ra trường rất thấp, song vì được làm đúng ước mơ nên cô vẫn cố gắng để theo đuổi. Lập gia đình, có con cái, vật giá ngày một leo thang, gánh nặng cơm áo khiến cô “áp lực đến nghẹt thở”.
Năm 2010, cô quyết tâm đi học và nhận bằng liên thông đại học tại Đại học Sư phạm Hà Nội để được tuyển vào biên chế ngành giáo dục. Vào biên chế, cô càng vỡ mộng khi lương không khá khẩm hơn là bao.
"Chồng tôi làm bảo vệ ở trường mầm non và làm thêm nông nghiệp. Tổng thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu, nuôi 3 con, vất vả vô cùng", cô Ánh bộc bạch.
Lương, phụ cấp nhà giáo đã điều chỉnh nhiều lần nhưng so với giá cả thị trường thì rất khó để lo cho bản thân, gia đình và chăm sóc con cái học hành, "lương tăng một đồng, giá cả tăng 3, 4, 5 đồng".
"Thu nhập không đủ sống, thì giáo viên biết xoay sở sinh hoạt phí bằng gì, chăm sóc con cái ra sao. Suốt nhiều năm qua, không ít lần tôi suy nghĩ đến chuyện nghỉ việc vì thu nhập quá thấp. Phải mất đến 4 năm, tôi mới đủ dũng khí để nộp lá đơn nghỉ việc", cô nói.
Cô nộp đơn xin nghỉ việc vào năm 2022, rời ngành sau 14 năm gắn bó. Một trong những lý do chính dẫn đến quyết định này là lương thấp.
Hiện cựu giáo viên mầm non này làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp với thu nhập trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng. Cô Ánh bày tỏ, bản thân không hối tiếc khi quyết định nộp đơn nghỉ việc. "Dù có cơ hội quay trở lại nghề giáo, tôi cũng từ chối", cô nói.
Cô Dương Thu Trang (Sơn Tây, Hà Nội) cũng trong hoàn cảnh tương tự, nghỉ việc vì lương thấp. Cô Trang tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2010, dạy hợp đồng môn Sinh học tại một trường cấp 2. Sau một năm, song song với công việc giảng dạy tại trường, cô tiếp tục học liên thông tại trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 với mong muốn "bằng đại học sẽ giúp có mức lương tốt hơn". Cô nhận bằng cử nhân và xin vào dạy hợp đồng ở một trường cấp 3.
Tuy nhiên, số tiền lương thực lĩnh trong suốt 4 năm dạy học, từ năm 2010 đến năm 2014 của cô không đủ để trang trải cuộc sống. "Mức lương của tôi thời điểm đó chỉ khoảng 800 nghìn đồng/ tháng. Tôi phải đi làm thêm những công việc như làm ở công ty in, nhân viên cửa hàng sách, bán hàng rong", cô nhớ lại.
Ngay từ khi còn bé, ước mơ của cô Trang là trở thành giáo viên. Vì thế, lúc trưởng thành, cô rất nghiêm túc theo đuổi con đường này, nhưng đến cuối cùng ước mơ ngày bé cũng không thể thắng nổi gánh nặng cơm áo gạo tiền.
"Cả thời tuổi trẻ của tôi chắt chiu từng đồng học cao đẳng, rồi liên thông lên đại học. Vậy mà tôi phải quyết định từ bỏ nghề cầm phấn được gần chục năm để buôn bán vì cảm thấy quá áp lực với mức lương bèo bọt", cô Trang nói.
Căng thẳng kéo dài, buộc phải nghỉ việc
"Ở trường có rất nhiều đầu việc lắt nhắt và kéo dài khiến tôi mệt mỏi. Có thời gian tôi bị mất ngủ, suy giảm trí nhớ do căng thẳng kéo dài", cô Lê Thị Chinh (34 tuổi, Bắc Giang) nhắc đến công việc của một giáo viên mầm non.
Suốt 11 năm công tác tại trường mầm non Tân Hưng (Bắc Giang), mỗi ngày trong tuần, cô Chinh có mặt ở trường từ sáng sớm, sau đó cô đón trẻ, làm việc, đến khoảng 5 giờ chiều (hoặc muộn hơn) phụ huynh đón con. Với cô giáo mầm non, chuyện trẻ gào khóc, thậm chí nôn ói nhiều lần vào người cô không phải là điều hiếm thấy. Hay những ngày lễ, dù mặc áo dài nhưng các cô cũng đành buộc hai tà vào nhau, để tiện chăm sóc trẻ.
Nỗi vất vả của giáo viên mầm non khó có thể thấu tỏ chỉ trong một vài câu. Cô nói, lòng yêu nghề, yêu trẻ sẽ giúp họ quên nhọc nhằn và bỏ qua những phán xét "giáo viên mầm non nhàn nhã lắm, cả ngày không phải làm gì".
"Ngoài việc đứng lớp dạy trẻ, chúng tôi còn phải chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập, làm đồ chơi và muôn vàn việc không tên khác", cô Chinh nói.
Rời trường lớp, cô lại "vào vai" một người vợ, người mẹ với tá việc nhà như chợ búa, cơm nước... Nửa đêm cô mới lên giường đi ngủ là chuyện bình thường. Cô nói, khi chưa lập gia đình thì không thấy vướng bận, nhưng có con, nhiều lúc cô "nghĩ thương con đến chảy nước mắt" vì không nhiều thời gian sát sao bên con.
Trước khi quyết định nghỉ việc, cô từng rơi vào trạng thái chông chênh với muôn vàn suy nghĩ. Cô nói, lương thấp không phải là nguyên nhân chính, mà vì căng thẳng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và thể chất của cô. Mọi người xung quanh đều "sốc" khi hay tin cô dừng bước sau 11 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ.
Rời khỏi nghề, cô vẫn có thể kiếm được số tiền tương đương, khoảng hơn 10 triệu đồng/ tháng với công việc bán hàng trực tuyến. Cuộc sống hiện tại của cô khá thoải mái, không còn áp lực công việc dẫn đến tình trạng kiệt sức nữa.
Cô nói dù được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tăng lương, tăng phụ cấp, vẫn quyết nộp đơn xin nghỉ. "Nghỉ việc, điều tôi tiếc nhất là đồng nghiệp, trường lớp và học trò, nhưng bù lại tôi có nhiều thời gian cho gia đình, sức khỏe tinh thần được cải thiện rõ rệt", cô Chinh chia sẻ.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, trong số 19.300 giáo viên nghỉ thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ. Năm học 2021 - 2022, 16.265 giáo viên nghỉ việc, riêng khối trường công lập có 10.407 giáo viên nghỉ.